12/07/2024 14:12
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 cả nước cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ TNGT, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người, giảm 634 người chết (giảm 10,61%) so với cùng kỳ năm ngoái. Có 40 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó, có 9 tỉnh tăng trên 20%, đặc biệt, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% trở lên là tỉnh Thừa Thiên Huế, Bến Tre.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành địa phương đã thảo luận phân tích những nguyên nhân, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT trong thời gian tới.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, TNGT 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ (tăng 27 vụ), làm chết 61 người (tăng 12 người), làm bị thương 58 người (tăng 18 người). Nguyên nhân do tỉnh Kon Tum là tỉnh miền núi, có nhiều đèo dốc quanh co, thời tiết mưa nhiều, tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt; hệ thống quốc lộ huyết mạch còn nhiều đoạn chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một số người tham gia giao thông còn hạn chế, tai nạn giao thông liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cũng nói rõ những giải pháp của tỉnh trong thời gian tới nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT, tập trung vào đối tượng là người dân tộc thiểu số; huy động tối đa lực lượng chức năng, tuần tra xử lý nghiêm vi phạm TTATGT; tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện hư hỏng, xử lý dứt điểm các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư hệ thống quốc lộ theo quy hoạch được duyệt, như đoạn còn lại của Quốc lộ 24 nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi; Quốc lộ 40B (đoạn qua tỉnh Kon Tum dài 58km); Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B; tuyến cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các đoạn còn lại của đường Hồ Chí Minh từ đèo Lò Xo, huyện Đăk Glei đến thị trấn Đăk Tô (do hiện nay tuyến đường chưa được đồng bộ, một số đoạn còn nhỏ hẹp, nhất là đoạn đèo Lò Xo giáp ranh 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam)…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương góp phần giảm số sâu số người chết và giảm TNGT do bia rượu giảm mạnh. Đồng chí cũng nêu lên nhưng tồn tại hạn như TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ và số người bị thương tăng so với cùng kỳ năm trước; nhiều vụ TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra khiến nhiều người chết và bị thương; số người chống người thi hành công vụ còn xảy ra nhiều…
Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ ngành, đơn vị chức năng, địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm từng bước làm chuyển biến ý thức người tham gia giao thông; nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt quản lý tốt phương tiện, chú trọng cải thiện và sửa chưa hạ tầng giao thông bảo đảm thuận lợi cho lưu thông để hạn chế TNGT.
Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và cương quyết xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, xử phạt nhằm tăng tính răn đe, góp phần kiềm chế TNGT.
Phúc Nguyên