24/08/2024 06:08
Trong năm học, vào đầu buổi hoặc giờ tan trường, trước các cổng trường THPT, thậm chí là trường THCS, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe máy điện, xe máy. Trong đó có không ít học sinh chưa đủ tuổi, hoặc lái xe máy dung tích hơn 50cc.
Có em còn “kẹp ba”, “kẹp bốn”, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang rồi lạng lách, đánh võng trên đường phố, thậm chí trêu đùa người đi đường. Hành vi này vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa gây mất an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.
Không chỉ đi xe máy đến trường, khi đã được “tạm” sở hữu, hoặc chính thức sở hữu một chiếc xe máy, các em học sinh còn có thể sử dụng vào nhiều hoạt động “ngoại khóa”, khiến các bậc cha mẹ không thể quản lý và nhà trường lại càng khó kiểm soát.
|
Và chính phụ huynh đã “tiếp tay”, hay đúng hơn, phụ huynh là “nguồn gốc” của tình trạng trên. Bởi nếu không có sự đồng ý của phụ huynh thì về cơ bản trẻ em sẽ không có xe máy để đi.
Có 1.001 lý do “chính đáng” để các bậc cha mẹ bao biện cho việc giao xe máy cho con, mặc dù biết con em mình chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nào là con em mình phải đi học hai buổi, nhà lại xa trường nên không thể đi xe đạp, dễ bị muộn giờ học. Nào là do bận rộn công việc cơ quan, không thể đưa đón, hoặc không thường xuyên đưa đón con được nên “buộc lòng” phải giao xe cho con tự điều khiển.
Không ít gia đình có điều kiện, lại chiều chuộng con quá, không muốn con cái mình thua thiệt với bạn bè, nên đã đầu tư mua xe máy “xịn” cho con, dù đang học THPT.
Tình trạng học sinh điều khiển phương tiện không chấp hành Luật Giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn thương tâm không đáng có.
Bởi tâm lý tuổi mới lớn chưa ổn định, chưa nhận thức được nguy hiểm khi điều khiển xe máy nên khi điều khiển xe máy tham gia giao thông thường đua đòi, háo thắng. Nhiều khi thích “thể hiện” mình bằng những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lưu thông thành đoàn, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, làm 108 người chết, 111 người bị thương. Trong đó có 28 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi, làm 20 người chết, 39 người bị thương.
Thậm chí, biết để con đi xe máy có dung tích lớn hơn 50cc có khi gặp nguy hiểm nhưng nhiều phụ huynh vẫn “chiều” con cho bằng bạn bè, và để mình được rảnh rang hơn vì không phải đưa đón.
Có những bậc cha mẹ, khi mua xe cho con rồi là phó mặc cho con tùy tiện sử dụng và quản lý xe, dẫn đến việc có những lúc con trẻ trốn học để đi chơi. Chỉ đến khi được thông báo con điều khiển phương tiện gây tai nạn, hoặc bị lực lượng chức năng xử phạt vì vi phạm luật thì mới biết.
|
Điều đáng nói là, bên cạnh một bộ phận phụ huynh không nắm được quy định của pháp luật nên vô tình vi phạm, thì có nhiều người biết hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm.
Như chuyện bạn tôi là một ví dụ. Con gái anh năm nay lên lớp 10, và mong muốn có được một cái xe máy. Lý do cháu đưa ra là “để bố mẹ đỡ phải vất vả đưa đón con cả ngày, với lại còn chủ động cho việc đi học thêm”, hơn nữa “bạn bè đã có xe cả rồi”.
Kể ra con bé cũng giỏi thuyết phục. Nói đi nói lại thế nào mà anh đồng ý… nhường cái xe máy đang đi lại cho nó, dù biết rằng con bé chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi cũng như chưa có giấy phép).
Khi tôi góp ý thì anh gạt đi: Không có chuyện gì đâu. Cũng nên để cho cháu nó tập đi xe máy cho quen. Sau này đi học xa nhà cũng cứng cáp, yên tâm phần nào.
Theo quy định của pháp luật, người từ đủ 16 tuổi trở lên được điểu khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm³ hoặc xe máy điện có vận tốc tối đa không quá 50km/h. Người đủ 18 tuổi trở lên, có Giấy phép lái xe được điểu khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm³ hoặc mô tô điện có vận tốc tối đa trên 50km/h.
Trong khi đó, giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị cấm tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Tuy nhiên, ở tỉnh ta, chưa ghi nhận trường hợp nào bị phạt vì giao xe cho trẻ em điều khiển tham gia giao thông. Có lẽ vì vậy đã dẫn đến sự chủ quan ở nhiều bậc phụ huynh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng học sinh lái xe máy phổ biến hiện nay.
Trong Công điện số 81/CĐ-TTg ngày 20/8/2024 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Đúng là đã đến lúc phải mạnh tay phòng ngừa từ “gốc”, thay vì chỉ ra quân kiểm tra, nhắc nhở, cần phải thực hiện phạt vi phạm hành chính với phụ huynh giao xe máy cho trẻ khi chưa đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, chính các bậc cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tuân thủ tuyệt đối quy định không giao xe cho trẻ em.
Hồng Lam