Trật tự an toàn giao thông năm 2023: Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

12/01/2024 06:11

Trong năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 21.460 trường hợp vi phạm về TTATGT; so với năm 2022, tăng 2.614 trường hợp. Đã tiến hành tạm giữ 9.207 phương tiện và 11.433 giấy tờ các loại; phạt tại chỗ 800 trường hợp; phạt cảnh cáo 931 trường hợp; tước giấy phép lái xe có thời hạn 2.882 trường hợp.

Đáng chú ý, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử phạt hơn 4.215 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 17 trường hợp trong cơ thể có chất ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; so với năm 2022, tăng gần 2.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

CSGT Đăk Hà tăng cường tuần tra trên đường GTNT. Ảnh: P.N

 

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phát hiện và xử phạt 4.297 trường hợp vi phạm về tốc độ (so với năm 2022 tăng 2.414 trường hợp), xử lý 2.386 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 3.941 trường hợp không có giấy phép lái xe; 3.421 trường hợp không có đăng ký xe. Đặc biệt, đã tiến hành xử phạt 197 trường hợp lạng lách, đánh võng trên đường, 278 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và 119 trường hợp chở quá số người cho phép. Đồng thời, đã ra  quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2023,  mặc dù các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn gia tăng khá cao so với năm 2022. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 99 vụ tai nạn giao thông, làm chết 93 người và 90 người bị thương; so với năm 2022 tăng cả 3 tiêu chí (tăng 34 vụ, tăng 25 người chết, tăng 48 người bị thương). Trong các địa phương TNGT gia tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2022 thì huyện Đăk Tô là địa phương đứng đầu; tiếp đến là thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà…

Qua điều tra của cơ quan chức năng, TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ như đường Hồ Chí Minh (xảy ra 51 vụ, chết 44 người, bị thương 42 người); Quốc lộ 24 (xảy ra 16 vụ, chết 16 người chết, bị thương 17 người); đường liên thôn liên xã (xảy ra 15 vụ, chết 15 người, bị thương 20 người). Các vụ TNGT xảy ra tập trung trong khoảng thời gian từ 12h - 18h (với 29 vụ, 27 người chết, 22 người bị thương), đặc biệt, từ 18h đến 24h (xảy ra 45 vụ, 42 người chết, 49 người bị thương).

CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: PN

 

Một điều đáng chú ý và cần phải quan tâm là TNGT liên quan đến người DTTS chiếm đến hơn 50% số vụ, số người chết và số người bị thương (xảy ra 50 vụ, 45 người chết và 48 người bị thương).

Qua phân tích và đánh giá, TNGT gia tăng xuất phát từ nguyên nhân do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một số người tham gia giao thông còn thấp, TNGT liên quan đến người đồng bào DTTS, thanh, thiếu niên xảy ra nhiều. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời so với sự gia tăng lượng phương tiện, nhu cầu của người tham gia giao thông. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT có lúc, có nơi chưa thường xuyên; hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an.

Trước tình hình đó, năm 2024, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan, ban ngành, các lực lượng chức năng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ đồng bộ các giải pháp để kiềm chế TNGT. Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Ngoài ra, đơn vị chức năng tiếp tục huy động lực lượng tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo TTATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT, các tuyến và địa bàn giao thông nông thôn; đổi mới, tăng cường các giải pháp về tuần tra, có trọng tâm, trọng điểm, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như vi phạm về nồng độ, chạy quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ. Đồng thời, tiếp tục khai thác có hiệu quả hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt nhằm phát hiện vi phạm TTATGT tại các giao lộ, các tuyến, địa bàn trọng điểm để phục vụ công tác an ninh và xử lý phạt nguội… qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, kiềm chế TNGT trên địa bàn.     

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác