04/12/2017 07:00
Hăng hái lúc học
Nôn nao, háo hức, là cảm giác chung của mọi người khi học xong phần lý thuyết chuẩn bị bước sang phần thực hành lái xe. Mới chỉ được ngồi trên xe học số nóng, số nguội, làm quen với chân côn, chân ga, chân phanh, hộp số, vô lăng cho nhuần nhuyễn mà ai cũng thấy lâng lâng rồi.
Bắt đầu thực hành lái xe, người trực tiếp hướng dẫn chúng tôi là anh Nguyễn Tiến Hợi - giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật vận tải, theo nhận xét của học viên là người nhiệt tình, cẩn thận, nói nhiều nhưng cũng… rất hiệu quả.
|
Buổi tập nào anh Hợi cũng “ra rả” nào là phải tập vê côn, ga vào thì côn phải ra, không được thắng gấp thế, không được nhìn xuống tay lái, nhầm số rồi phải nhớ số chứ… Còn những bài khó trong sa hình anh thường dạy đi, dạy lại và chỉ bảo tỉ mỉ, tận tình cho đến khi chúng tôi nhuần nhuyễn mới thôi.
Những lúc học viên căng thẳng anh còn dùng thơ “độ chế” đọc để chúng tôi nhớ lâu, thuộc lòng những động tác phối hợp côn, ga, số sao cho nhịp nhàng và giảm bớt áp lực, căng thẳng.
Cảm giác ngồi trên xe mà người khác cầm lái rất bình thường, nhưng lần đầu tiên tôi được trực tiếp ngồi sau vô lăng, điều khiển xe ra đường trường, cảm giác thật hồi hộp, người cứ cứng đơ, thao thác luống cuống, anh Hợi ngồi bên luôn miệng nhắc nhở, chị phải thả lỏng người ra, sao cho thật thoải mái thì mới điều khiển xe được chứ…
Rồi tôi gặp bao nhiêu tình huống dở khóc, dở cười như nhầm chân phanh thành chân ga làm thầy và cả nhóm sợ tái mặt, rồi không đạp côn mà cho số, nhầm số…
Khi lái trên đường có đông người tham gia giao thông, bạn học trong nhóm tôi - chị Nguyễn Thị Thu H (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã thốt lên: Nhờ học lái xe như vầy tôi mới thấy mình trước giờ bị “mù đường”, sau khóa học này tôi sẽ đi xe máy chỉn chu hơn, không lấn sang làn đường xe ô tô nữa... Nếu học lấy bằng lái xe mô tô cũng kỹ lưỡng như học lái ô tô thì những vụ tai nạn đáng tiếc chắc chắn sẽ giảm hẳn.
Sau mỗi buổi học, anh Hợi đều tập trung nhóm lại chỉ ra cái được và chưa được của từng học viên để rút kinh nghiệm cho những bài học lần sau. Anh nói vui, học lái xe phải học từ từ, không vội vàng được. Theo lịch học lái xe chỉ mất hơn 20 ngày, nhưng phải rải đều trong 4 tháng để học viên ngấm dần từng ngày.
Áp lực khi thi
Miệt mài, vất vả hơn 4 tháng trời “dãi nắng, dầm mưa” học lái rồi cũng đến kỳ thi tốt nghiệp, sát hạch. Khi nghe thông báo lịch thi, ai cũng lo lắng, hồi hộp, nhiều học viên còn cảm thấy bất an…
Anh Lê Trường Khánh T (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) rất tự tin trong quá trình học, nhưng sắp thi anh cũng thấy lo. Theo anh, lúc tập, xe không gắn thiết bị, nhưng khi thi sát hạch, xe có gắn chíp chấm điểm tự động, đi sai phần nào sẽ bị trừ điểm trực tiếp, hơn nữa sân tập và sân thi không phải là một nên rất dễ bị tâm lý.
Chị Hoàng Thị B. lúc học chị là người hay lo lắng, sắp tới thi chị lại càng tâm lý hơn, vì trong cơ quan chị có hai đồng nghiệp thi rớt sát hạch, chị kể: Đồng nghiệp thứ nhất thi rớt khi vào lùi xe ghép dọc, khi ghép sai chị không sửa được loay hoay mãi không ghép được, bài thi không hoàn thành nên bị đánh rớt. Còn chị thứ hai thì bị trừ dần điểm do lỗi ở mỗi phần thi nên khi về đến đích chỉ còn 75 điểm, không đủ điểm đậu.
Gần tới ngày thi còn gặp sự cố về tâm lý có chị Nguyễn Như T. (huyện Kon Rẫy) lý do là vừa mới làm quen xe có gắn thiết bị chấm điểm tự động và sân tập mới nên lúc nào cũng bị ám ảnh tiếng nói trên xe, dẫn đến mất ngủ, cơ thể suy nhược chị phải nhập viện điều trị…
Khi lên bãi tập sa hình trên Koruko để làm quen với sân và xe gắn thiết bị, hầu hết các học viên đều bị tâm lý. Mặc dù họ lái rất tốt trên bãi tập sa hình của trường, nhưng khi ngồi xe có gắn thiết bị báo lỗi trực tiếp, cộng với chưa canh chỉnh được các điểm dừng xe, vì thế mà các học viên tập mấy vòng đầu máy thông báo “bạn đã thi trượt…” lại càng tâm lý hơn. Có nhiều học viên khi tập hết 6 vòng của trường họ thấy chưa ổn nên thuê xe để luyện tập thêm.
Học không chỉ để thi
Tâm lý chung, khi học lái ai cũng muốn thi đậu để được cấp bằng, có lẽ vì thế mà người học lái xe chỉ để thi cho đậu rất nhiều so với những người học để biết và làm theo nên trên đường có không ít người lái xe theo cảm tính.
|
Về phần lý thuyết cũng vậy, một số học viên khi chuẩn bị thi mới vội vội vàng vàng chuyển sang học 15 bộ đề - 450 câu hỏi, học theo kiểu đối phó, học mẹo để thi... nên không hiểu được ý nghĩa của các biển báo hay xử lý các tình huống thực tiễn khi tham gia giao thông.
Trong thời gian tập, trực tiếp cầm lái tôi mới thấy áp lực khủng khiếp khi thường xuyên gặp cảnh xe con, xe tải, xe khách… dềnh dang không nhường đường, xe máy thì chen vào giữa 2 ô tô hoặc lấn sang làn đường ô tô, người đi bộ bất ngờ chạy ào qua đường... Tai nạn giao thông xảy ra phần nhiều cũng từ cách đi đường như vậy.
Chú Trần Bình T (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) học viên khóa 119 chia sẻ: Theo tôi, không nên học chỉ để đối phó thi cử lấy bằng. Học cái gì còn lơ mơ được chứ học lái xe phải học cho chắc, cho thành thạo thì mới tham gia giao thông, bởi vì tính mạng mình, gia đình mình và cả những người tham gia giao thông đều nằm trong tay mình nên phải học để biết xử lý tốt mọi tình huống.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật vận tải Tiêu Quang Tuyến cho biết: Với xu thế học lái xe nhiều như hiện nay, Trung tâm rất chú trọng đến việc hướng dẫn chấp hành luật và kỹ năng xử lý mọi tình huống. Chẳng hạn cho học viên tập lái trên đường trung du, đường đèo núi, đường đông người, phương tiện qua lại, lái vào ban đêm… cho đến khi thuần thục mới chuyển lên sân tập. Chính vì thế mà khi học 10 bài sa hình, học viên lái rất tự tin và tiếp thu bài rất nhanh.
Được trải nghiệm trong khóa học, tôi cảm nhận được sự tận tâm của tất cả các giảng viên trong trường. Không riêng giảng viên phụ trách nhóm mà ngay cả Giám đốc Trung tâm cũng thường xuyên đến sân tập kiểm tra trực tiếp từng thao tác của học viên...
Hiện tại, nhu cầu học lái xe ngày càng nhiều, không ít trung tâm đào tạo lái xe được mở ra. Chính vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe. Các trung tâm đào tạo cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cả về kỹ năng lái xe và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, mỗi người khi chuẩn bị học cần tìm hiểu kỹ càng thông tin để chọn được trường có uy tín, chất lượng cao...
Gia Thịnh