Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT

05/07/2021 13:07

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng nên trong 6 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông giảm 2/3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông (2 vụ rất nghiêm trọng, 32 nghiêm trọng, 2 ít nghiêm trọng) làm 35 người chết, 23 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông giảm 2/3 tiêu chí, cụ thể, giảm 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 2 người bị thương. Trong đó, địa bàn huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Ia H’Drai giảm 2 tiêu chí, (huyện Đăk Tô giảm số vụ, không tăng, không giảm số người chết, giảm số người bị thương; huyện Sa Thầy giảm số vụ, số người chết, tăng số người bị thương; huyện Ia H’Drai giảm số vụ, không tăng, không giảm về số người chết, giảm số người bị thương) và  huyện Tu Mơ Rông không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào. Có được kết quả trên là sự cố gắng, sự trách nhiệm của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đây là tín hiệu mừng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

CSGT tỉnh tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm. Ảnh: HN

 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính lại chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khiến nhiều người dân bức xúc. Một số địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Kon Rẫy là 3 địa bàn “nóng” về tai nạn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa được kiềm chế. Cả 3 địa phương này tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Ngoài ra, tuyến đường “nóng” về tai nạn giao thông là tuyến quốc lộ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất, chiếm đến hơn 60% số vụ và số người chết.

Điều đáng nói, qua phân tích, các vụ tai nạn xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông thường vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông như điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không quan sát… Điều đó cho thấy, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông của một số người dân còn kém, thậm chí nhiều người chấp hành chỉ mang tính đối phó với lực  lượng chức năng…

Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn còn cao, nhất là tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên hư. Minh chứng là trong 6 tháng, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện và xử phạt 15.867 trường hợp (so với 6 tháng đầu năm 2020, tăng 5.014 trường hợp); tạm giữ 3.294 phương tiện và 9.746 giấy tờ xe các loại; phạt tại chỗ 2.827 trường hợp; phạt cảnh cáo 404 trường hợp; tước giấy phép lái xe  có thời hạn 551 trường hợp với tổng số phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính là  9,7 tỷ đồng. Đáng nói, các lỗi vi phạm lại chủ yếu chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia, không có giấy phép lái xe… Những lỗi nói trên thường là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn đòi hỏi lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đồng thời, cần triển khai các biện pháp giải pháp hữu hiệu phù hợp với thực tế mỗi địa phương nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.

Dự báo trong thời gian tới, nhất là dịp kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các dịp nghỉ lễ cuối năm 2021 và mùa mưa lũ nên tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ có thể có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ban An toàn giao thông tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, ban ngành, các lực lượng chức năng song song với đẩy mạnh tuyên truyền thì cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp công tác chuyên môn trong lĩnh vực mình quản lý, phụ trách để duy trì sự ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, lực lượng chức năng cần tiếp tục huy động lực lượng tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn tai nạn, các tuyến đường và địa bàn giao thông nông thôn... Trong đó, kiên quyết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như sau khi sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, chạy quá tốc độ quy định, xe không đảm bảo điều kiện lưu hành, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... để tăng sức răn đe, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.      

Hà Nam

Chuyên mục khác