01/04/2024 13:30
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ TNGT, làm chết 30 người và 33 người bị thương. So với quý I/2023, tăng 10 vụ, tăng 4 người bị thương, giảm 3 người chết. Các địa phương TNGT diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023 là các huyện: Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Các huyện tăng 2 tiêu chí gồm Đăk Tô, Đăk Hà, Đăk Glei.
Điều đáng nói, qua thống kê, nổi lên trong quý I là TNGT liên quan đến người DTTS vẫn chiếm tỉ lệ cao (xảy ra 28 vụ/42 vụ chiếm 66,66% số vụ; làm 23 người chết, chiếm 76,66% số người chết và 21 người bị thương, chiếm 74,41% số người bị thương). Bên cạnh đó, trong số 42 vụ tai nạn thì có đến 25 vụ nghiêm trọng và có 4 vụ rất nghiêm trọng làm 2 người chết.
Theo phân tích, đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân TNGT chủ yếu do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế, chủ quan; điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định. Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm đối tượng cần phải tuyên truyền, còn nặng về hình thức. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT có lúc, có nơi chưa thường xuyên.
|
|
Trước tình trạng TNGT diễn biến phức tạp, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh tiếp tục có văn bản đã gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế TNGT. Trong đó, cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp huy động tối đa lực lượng tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT, các tuyến và địa bàn giao thông nông thôn; lập kế hoạch chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như sử dụng rượu, bia; chạy quá tốc độ; tập trung trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm 2024. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về hạ tầng, tổ chức giao thông, các “điểm đen” tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ. Khai thác có hiệu quả hệ thống camera đã được lắp đặt nhằm phát hiện vi phạm TTATGT tại các giao lộ, các tuyến, địa bàn trọng điểm để phục vụ công tác xử lý phạt nguội về vi phạm TTATGT.
Sở Giao thông Vận tải tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bến đò vi phạm các quy định về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, phương tiện không đảm bảo các quy định, điều kiện về bảo dưỡng, niên hạn, an toàn kỹ thuật phương tiện. Đồng thời, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý và kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện, quản lý an toàn kỹ thuật, phương tiện, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình đăng kiểm xe cơ giới đường bộ.
Ngoài ra, chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra phương án bảo đảm ATGT trong quá trình thi công, xây dựng các công trình giao thông; xử lý nghiêm đối với các trường hợp nhà thầu, đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT đối với các đoạn đường vừa thi công vừa khai thác trong quá trình thi công, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết tình trạng vi phạm lòng, lề đường và lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Hà Nam