Tai nạn giao thông gia tăng

30/06/2020 06:10

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù Ban ATGT tỉnh cùng các cơ quan thành viên, các địa phương đã chủ động chỉ đạo, triển khai các giải pháp tích cực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhưng tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông gia tăng cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng qua, nhất là thời gian đầu triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt tăng gấp nhiều lần so với trước kia đã tác động đến ý thức chấp hành pháp luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Đặc biệt, quy định tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi thực hiện đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Cùng với đó, việc lực lượng chức năng ra quân quyết liệt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn nên ý thức “Đã uống rượu, bia không lái xe” của người dân được nâng cao rõ rệt và thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian này, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm hẳn so với khi chưa thực hiện Nghị định 100/CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch lây lan nên cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của một số giải pháp chuyên môn của một số lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện của lực lượng chức năng có những thời điểm bị hạn chế hơn trước. Vì vậy, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia xảy ra tăng trở lại nên TNGT lại diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm tháng 3, 4, 5.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người lái xe. Ảnh: HN

 

TNGT trên địa bàn tỉnh 6 tháng đã tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ TNGT, làm 38 người chết và 21 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 13 vụ (tăng 48,14%), tăng 9 người chết (tăng 31,03%), tăng 7 người bị thương (tăng 50%). Trong đó, đáng chú ý, TNGT đường liên thôn, liên xã 6 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh cả 3 tiêu chí so với 6 tháng đầu năm 2019. Tại các tuyến đường này xảy ra 9 vụ, làm 8 người chết và 4 người bị thương.

Địa phương tăng cả 3 tiêu chí là huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei; các địa phương tăng 2 tiêu chí là thành phố Kon Tum (tăng số vụ, tăng số người bị thương, không tăng không giảm về số người chết), huyện Sa Thầy (tăng số vụ, số người chết, không tăng không giảm số người bị thương), các huyện Đăk Tô, Ia H’Drai (tăng số vụ, tăng số người bị thương, không tăng không giảm về số người chết). Huyện Ngọc Hồi là địa phương xảy ra nhiều vụ và số người chết nhiều nhất với  10 vụ, 12 người chết. Tiếp đến là thành phố Kon Tum xảy ra 9 vụ, 8 người chết…

Theo phân tích của lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng trong 6 tháng qua vẫn chủ yếu do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người tham gia giao thông kém hoặc việc chấp hành chỉ mang tính đối phó. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan của người tham gia giao thông; thường xuyên vi phạm lỗi như: điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không chú ý quan sát... là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT.

Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Nguyên nhân TNGT trên địa bàn 6 tháng đầu năm nay tăng nhiều một phần do công tác tuyên truyền còn nặng về hình thức, chưa đi vào trọng tâm nên đạt hiệu quả chưa cao.  Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT có lúc chưa thường xuyên, chưa khép kín địa bàn, nhất là đối với các tuyến giao thông nông thôn. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT tuy đã được tăng cường, triển khai nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, vẫn còn nhiều địa bàn, tuyến đường giao thông nông thôn chưa được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Ngoài ra, do tác động của việc cách ly xã hội, phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19 nên việc duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng có thời điểm bị hạn chế, buông lỏng, nên một số thời điểm TNGT tăng mạnh…

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, để kiềm chế TNGT, thời gian tới, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT một cách quyết liệt hơn nữa. Chú trọng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Tăng cường, phủ kín thời gian tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT và địa bàn giao thông nông thôn. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Bên cạnh đó, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bến đò vi phạm các quy định về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, phương tiện không đảm bảo các quy định, điều kiện về bảo dưỡng, niên hạn, an toàn kỹ thuật phương tiện; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện…nhằm góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm tốt TTATGT trên địa bàn.               

Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện và xử lý 10.917 trường hợp vi phạm TTATGT; tạm giữ 3.489 phương tiện và 5.031 giấy tờ xe các loại; tước GPLX có thời hạn 318 trường hợp… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trong 6 tháng là gần 7 tỷ đồng.

 Hà Nam

Chuyên mục khác