09/08/2017 08:01
Thời gian qua, trong cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương. Vì vậy, siết chặt quản lý và cương quyết trong việc xử lý các đơn vị vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải là việc làm cần thiết, bởi điều đó sẽ góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.
Ngay sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với 2 xe ô tô khách cuối tháng 6 vừa qua làm 4 người chết và 13 người bị thương tại địa bàn huyện Đăk Hà, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra toàn diện điều kiện kinh doanh vận tải đối với 2 đơn vị có xe trong vụ tai nạn và sẽ xử lý nghiêm, cương quyết nếu vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải.
|
Song song với đó, Sở cũng yêu cầu các đơn vị vận tải bố trí cán bộ trực để theo dõi và giám sát lái xe, phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình khi phương tiện tham gia kinh doanh vận tải; quán triệt ngay đến toàn bộ đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, lấn đường; vượt xe ở những nơi cấm vượt, nơi không đảm bảo an toàn giao thông; yêu cầu các bến xe kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô, tuyệt đối không cho xuất bến đối với các phương tiện và lái xe không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng yêu cầu lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm ra chặt chẽ ngay từ lúc xuất bến đối với tất cả phương tiện ra vào bến. Thực hiện chỉ đạo của Sở, từ đầu tháng 7, Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh đã cử một tổ thường xuyên trực tại bến xe khách liên nội tỉnh kiểm tra kỹ các điều kiện đối với tất cả các đăng ký và ra vào bến xe.
Có mặt tại bến xe, chúng tôi nhận thấy lực lượng Thanh tra Giao thông thực hiện nhiệm vụ của mình rất trách nhiệm. Họ kiểm tra kỹ tất cả các điều kiện của xe trước khi xuất bến như tên tuổi, bằng lái xe, giám sát hành trình, lệnh vận chuyển, thiết bị chữa cháy, số ghế, niêm yết trên xe...
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Chánh Thanh tra Giao thông nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Bộ và Sở Giao thông Vận tải, chúng tôi chỉ đạo anh em làm nghiêm túc, quyết liệt và cương quyết yêu cầu bến xe không cho xuất bến đối với các trường hợp vi phạm, thiếu các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện. Những trường hợp vi phạm sau khi nhắc nhở đơn vị, nếu còn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ báo cáo Sở xử lý nghiêm, kể cả việc đề nghị thu hồi phù hiệu...
“Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đầu mối giao thông; chú trọng xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông như chở quá số người quy định, quá thời gian kiểm định, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, xe chở quá khổ, quá tải không có giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...”- ông Tuấn cho biết thêm.
Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay 100% doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định, hoạt động vận tải theo từng loại hình đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thời gian qua vẫn còn bộc lộ hạn chế. Đó là công tác quản lý điều hành tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa chặt chẽ, còn tình trạng khoán trắng cho lái xe, phụ xe; việc kiểm tra đôn đốc, giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chưa được đơn vị chú trọng...
Vì vậy, việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải là việc làm cần thiết qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Phúc Nguyên