Nhìn lại năm An toàn giao thông 2018: ​Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

28/12/2018 07:05

​Năm 2018, ngành chức năng ở tỉnh ta triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn, qua đó góp phần kiềm chế, giảm được số người chết do TNGT. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Trong năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Ban ATGT tỉnh phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan truyền thông, các địa phương tập trung tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác đảm bảo TTATGT để nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mọi người khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh tham mưu UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, các huyện thành phố triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn. Vì vậy, năm 2018 tỉnh ta đã giảm được số người chết (giảm 4 người chết- tiêu chí quan trọng nhất) do TNGT gây ra so với năm 2017. Toàn tỉnh xảy ra 71 vụ, làm 63 người chết và 69 người bị thương; so với năm 2017, tăng 6 vụ, tăng 9 người bị thương và giảm 4 người chết (giảm 5,96%).

Tuy nhiên, qua phân tích, trong tổng số 71 vụ TNGT có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 5 vụ rất nghiêm trọng, 51 vụ nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh do xe ô tô khách rơi xuống vực tại đèo Lò Xo (huyện Đăk Glei) làm 4 người chết, 34 người bị thương. Các vụ tai nạn  không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản, làm hư hỏng 29 xe ô tô, 68 xe mô tô…Ước thiệt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cảnh sát giao thông huyện Ngọc Hồi tăng cường tuần tra. Ảnh: V.P

 

Mặc dù năm 2018 số người chết do TNGT giảm, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn khá phức tạp, nguy cơ TNGT vẫn luôn tiềm ẩn. Điều đáng buồn là, năm 2018 được chọn là năm an toàn giao thông đối với trẻ em nhưng trên thực tế, trong năm trên địa bàn tỉnh ta vẫn có đến 13 vụ TNGT (chiếm 18,3%) liên quan đến trẻ em, làm 15 trẻ em chết (chiếm 23,8%), và 10 trẻ em bị thương (chiếm 17,3%).

Một thực tế nữa, trong năm 2018, những địa bàn “nóng” về TNGT như thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Glei vẫn là những địa phương xảy ra TNGT nhiều; số vụ và số người chết do TNGT vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, thành phố Kon Tum xảy ra 26 vụ, làm 14 người chết, 14 người bị thương; huyện Đăk Hà xảy ra 12 vụ, làm 14 người chết và 4 người bị thương; huyện Đăk Glei, xảy ra 11 vụ, làm 10 người chết, 44 người bị thương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hướng- Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định: Nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn thấp, nhất là bộ phận thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe máy, nhiều trường hợp cố ý vi phạm các lỗi thường là nguyên nhân trực tiếp có thể gây ra các vụ TNGT. Các vụ TNGT phần lớn đều do tính chủ quan của người tham gia giao thông mà đặc biệt là người điều khiển phương tiện, nguyên nhân sâu xa có yếu tố liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chạy quá tốc độ quy định, không làm chủ được tay lái, đi không đúng phần đường, làn đường quy định để gây ra tai nạn…

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hướng, để kiềm chế TNGT trên địa bàn, trước tiên chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong phú phù hợp với trình độ dân trí nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến từng khu dân cư, hộ gia đình thực hiện văn hóa giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện. Chú trọng tuyên truyền tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vận động mọi người thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện và vận động cha, mẹ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện…

 Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nhân rộng mô hình đang hoạt động có hiệu quả tại các khu dân cư như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, “Tổ tự quản, nhóm tự quản”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”…góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.

Cùng với giải pháp tuyên truyền thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát tại những địa bàn, tuyến đường trọng điểm về TNGT; cương quyết hơn nữa trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là những lỗi là nguyên nhân gây ra TNGT, nhằm răn đe, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn…  

Năm 2019 được lựa chọn là năm “An toàn giao thông cho hành khách và người đi xe mô tô, xe máy”. Vì vậy, để kiềm chế TNGT trên địa bàn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, từ tỉnh xuống cơ sở trong công tác bảo đảm TTATGT và mỗi người tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức chấp hành, tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, thực hiện ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông…

Văn Phương

Chuyên mục khác