18/07/2022 13:09
Câu chuyện của anh bạn tôi là một ví dụ. Đợt rồi, anh bị tạm giữ bằng lái xe ô tô và bị phạt 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông. Bị phạt xong, những tưởng anh sẽ hiểu vấn đề và chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng không. Không dám đi ô tô nhưng anh vẫn đi nhậu bằng... xe máy. Anh bảo, giờ có kinh nghiệm rồi, đi chú ý quan sát cảnh sát giao thông từ xa, nếu thấy chỗ nào đông người thì quay lại, đi đường khác là không sao. Hóa ra, anh chỉ sợ bị phạt tiền nên tìm cách đối phó, chứ chưa thực sự nghĩ đến mối nguy hại của việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
Có lẽ không riêng gì anh. Vẫn còn nhiều người, thay vì chấp hành, thì nghĩ ra muôn kiểu để đối phó. Tôi kể một câu chuyện khác, cách đây không lâu, một chị bạn đăng trên facebook cá nhân, thông báo về các chốt kiểm tra nồng độ cồn (chốt). Video nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người. Trong đó, nhiều người bình luận, hả hê khoe mình may mắn thoát khỏi sự kiểm tra của lực lượng trực chốt.
Việc lập các nhóm thông báo về các chốt kiểm tra, thổi nồng độ cồn không phải bây giờ mới xuất hiện. Trước đây, trên facebook đã có rất nhiều hội nhóm công khai và cả nhóm kín: nồng độ cồn Kon Tum; nồng độ cồn Kon Tum – Gia Lai... Các thành viên trong nhóm thường xuyên cập nhật thông tin về địa điểm thổi nồng độ cồn để những người đang vi phạm né chốt. Và nhiều người, đặc biệt là “dân nhậu” tham gia vào nhóm với mong muốn uống rượu vô tư mà vẫn tránh được các chốt thổi nồng độ cồn.
|
Thực tế cho thấy, lái xe khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có đến 60-70% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. Thế mà để đảm bảo an toàn giao thông, vẫn còn không ít người thiếu ý thức chấp hành những quy định khi điều khiển phương tiện giao thông.
Nhiều người, khi được nhắc nhở, còn bày tỏ thái độ khó chịu: biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Thậm chí, nhiều người say khướt, chân nam đá chân chiêu, mắt ríu lại, đờ đẫn ngủ gục vẫn ngoan cố chạy xe trên đường. Cũng vì ý thức chấp hành của một số người kém nên tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.
Tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông là điều ai cũng biết. Biết, nhưng lại không ít người không sợ. Và có sợ, đối với những người thiếu ý thức này là chỉ sợ bị phạt tiền. Bởi vậy, mới nói nhiều người cho rằng mình may mắn vì thoát chốt, không bị xử phạt. Nhưng cũng không ít các trường hợp chưa kịp cười vì thoát chốt đã vội khóc vì gây tai nạn giao thông, gây hiểm họa cho chính mình và cho người khác.
Nghị định 100 không cấm người dân uống bia, rượu mà chỉ cấm người dân điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Ngày nay, các phương tiện giao thông công cộng rất đa dạng, chỉ cần 1 cuộc gọi điện thoại, vài phút sau đã có xe đưa, đón. Nếu có thể bỏ vài trăm, vài triệu đi nhậu, thì hà cớ gì, không bỏ được vài chục ngàn để gọi xe, vừa chấp hành theo quy định, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình.
Thay vì tìm cách đối phó để tránh bị lực lượng chức năng xử phạt, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông hãy nghĩ đến những hiểm họa có thể xảy ra với mình khi không tuân thủ theo quy định. Nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ mọi lúc, mọi nơi để lái xe an toàn, bảo vệ cho chính mình và cho người tham gia giao thông là hết sức cần thiết với người điều khiển phương tiện giao thông.
Hoài Tiến