22/05/2023 13:05
Chiều cuối tuần, anh T., thường được mời đi “lai rai”. Thường thì anh từ chối, nhưng cũng có lúc nể nang bạn bè, hay cơ quan tổ chức sự kiện gì có sử dụng rượu bia, anh cũng tham gia. Nhưng anh đều không tự lái xe mà di chuyển bằng taxi hoặc nhờ người nhà đưa đón khi có điều kiện.
Anh T. cho biết: Tôi chấp hành nghiêm túc nguyên tắc “đã uống rượu bia không lái xe”. Điều này không chỉ vì sự an toàn của bản thân mình mà còn vì an toàn cho những người tham gia giao thông.
Trong trường hợp cần phải tự lái xe cho chủ động công việc tôi sẽ kiên quyết từ chối, nguyên tắc của tôi khi ấy là không uống rượu bia để lái xe- anh T. chia sẻ.
Thói quen “nâng ly”, sử dụng bia, rượu trong những lần gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành tập tục từ lâu của người dân, thậm chí là một phần trong nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt.
|
Thế nhưng, không phải ai cũng ý thức chấp hành luật như anh T. Bằng chứng là thời gian gần đây, vào buổi chiều, dạo quanh các hàng quán nhậu ở thành phố Kon Tum, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng quán xá đông đúc, kèm theo đó là dãy dài xe gắn máy xếp hàng trước cửa.
Nhiều người vào quán ăn nhậu hò hét reo vui, và khi ra về có không ít người vẫn điều khiển xe máy, xe ô tô.
Để tránh lực lượng công an kiểm tra nồng độ cồn, nhiều người chọn cách đi đường tắt, đường hẻm hoặc nắm bắt thông tin từ bạn bè, người thân về các điểm chốt hoặc các đoạn đường có lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ để tránh.
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt nhằm phát hiện và xử lý tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Điều không thể phủ nhận rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, phần lớn người dân đã nâng cao ý thức chấp hành quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”; số vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra cũng giảm hẳn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa chấp hành nghiêm. Số liệu thống kê cho thấy tình trạng vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 1.242 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đã uống bia, rượu rồi lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ trực tiếp, hoặc gián tiếp, gây tai nạn giao thông cho bản thân và cộng đồng.
Rõ ràng đây là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải kiên quyết loại bỏ triệt để.
Vì vậy, ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, xử lý vi phạm này. Đồng thời, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, thực hiện tốt nguyên tắc “đã uống rượu, bia không lái xe”, còn nếu lái xe thì không uống rượu, bia.
Sông Côn