20/05/2024 06:06
Khoảng 20h ngày 12/5, tại Km167, Quốc lộ 24, lực lượng CSGT Công an tỉnh phát hiện nam tài xế điều khiển xe máy mang BKS 82B1- 458.XX có biểu hiện sử dụng rượu bia nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, tài xế L.C.Q. (36 tuổi, trú tại thành phố Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,028mg/1 lít khí thở. Đáng chú ý, L.C.Q. là tài xế dịch vụ “lái xe hộ”, chuyên đưa người đã sử dụng rượu bia về nhà.
Rất nhanh, câu chuyện tài xế dịch vụ “lái xe hộ” bị lực lượng Công an phát hiện vi phạm nồng độ cồn và xử phạt gây xôn xao “cõi mạng” và giới “ăn nhậu” mấy ngày nay.
Xôn xao cũng phải, bởi đây rõ ràng là một “sự lạ”. Trong vô số ý kiến trên mạng, một người quen của tôi viết rằng “Xin lỗi khi phải nói ra điều này, cậu ấy làm cho tôi lo lắng và có ý định xem xét lại sự ủng hộ lâu nay với dịch vụ lái xe hộ”.
|
“Đây là điều lo lắng từ lâu nay của tôi. Sự kiểm soát nồng độ cồn nghiêm ngặt dẫn đến sự “lên ngôi” của dịch vụ này. Và ai có thể đảm bảo sẽ không có người lợi dụng việc làm này để vi phạm, qua mặt lực lượng chức năng”- một người khác viết.
Nhiều người thì băn khoăn rằng, trong trường hợp tài xế cung cấp dịch vụ “lái xe hộ” đang điều khiển xe của khách hàng mà vi phạm nồng độ cồn thì liệu phương tiện của khách hàng có bị tạm giữ hay không? Nếu có thì rất thiệt thòi cho chủ xe.
Còn giới “ăn nhậu” thì tỏ ra bất bình và dứt khoát cho rằng, đã làm dịch vụ này thì không được phép vi phạm.
Khách hàng chi tiền, sử dụng dịch vụ để được đảm bảo an toàn nhưng tài xế lại vi phạm thì không chấp nhận được. Nếu đã sử dụng rượu bia trước đó mà vẫn nhận khách thì không chỉ bản thân mình vi phạm mà còn coi thường tài sản và tính mạng của khách.
Bạn tôi chia sẻ, khi lực lượng chức năng kiểm soát chặt vi phạm về nồng độ cồn, bản thân anh đã sử dụng dịch vụ “lái xe hộ” sau mỗi buổi ăn nhậu có sử dụng rượu bia.
Tôi thấy dịch vụ này khá là hay, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, khi giao chìa khóa xe cho tài xế dịch vụ chưa từng nghĩ đến việc kiểm tra tài xế- anh nói.
Không chỉ có anh, tôi để ý rằng, bất cứ ai, ngay cả tôi cũng vậy, khi gọi tài xế dịch vụ đến chở về, sau khi đã uống rượu bia đều làm một việc đơn giản là giao chìa khóa xe máy, ô tô cho họ, chứ không hề để ý đến việc hỏi tài xế có giấy phép lái xe chưa, có sử dụng rượu bia hay chưa?
Là một người thường sử dụng dịch vụ này, khi đọc tin này, tôi cũng giật mình và cảm thấy may mắn, vì bản thân đã từng gặp tình huống như vậy nhưng kịp thời phát hiện và từ chối.
Chuyện là, một lần tôi có mấy bạn nơi xa đến thăm. Lâu ngày gặp nhau, chúng tôi kéo nhau ra quán, vì cũng muốn lai rai chút đỉnh, ngồi ôn lại chuyện xưa.
Cũng không thể mấy người uống còn một người ngồi… nhìn, vì lý do lái xe về, nên chúng tôi quyết định tất cả cùng uống, chuyện về nhà đã có dịch vụ lái xe hộ lo.
Sau khi bữa nhậu kết thúc, tôi gọi cho tài xế lái xe hộ mình quen. Chỉ ít phút sau, cậu ấy xuất hiện trong “bộ đồng phục” và mau mắn nhận chìa khóa xe từ tay tôi.
Nhưng mà… khoan đã. Khi nãy cậu đang ở đâu vậy, qua điện thoại tôi nghe khá ồn ào, giống như đang nhậu vậy- tôi nghi ngờ hỏi.
Cậu ta thú thật là đang đi đám giỗ, cũng có uống vài ly rượu. “Vì anh là mối ruột, từ quán về nhà anh cũng gần, lại buổi trưa nữa, nên em chạy đi luôn”- cậu phân trần.
Tất nhiên là tôi không đồng ý, mà đề nghị cậu ta gọi giúp tài xế khác. Vì là người quen nên cậu ta cũng vui vẻ gọi giúp, và xin lỗi vì đã “làm ẩu”.
|
Hôm nghe tin lực lượng chức năng phạt tài xế L.C.Q vì vi phạm nồng độ cồn, tôi có gọi điện kể cho cậu ta nghe. Cậu lại xin lỗi và nói: May hôm ấy anh kiên quyết không đi. Cũng từ hôm ấy, em chừa luôn, không dám ẩu như vậy nữa.
Vấn đề đặt ra là, khi gọi xe dịch vụ, có nên hỏi thẳng người lái thuê về việc đã uống rượu bia chưa, có giấy phép lái xe chưa hay không?
Một người bạn khác của tôi (là cảnh sát giao thông) cho rằng, với trường hợp tài xế cung cấp dịch vụ “lái xe hộ” đang điều khiển xe máy của khách mà vi phạm nồng độ cồn thì lực lượng CSGT sẽ xử phạt tài xế và tạm giữ phương tiện mà người này đang điều khiển.
Ý nghĩa của việc tạm giữ phương tiện trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn là biện pháp ngăn chặn, đình chỉ ngay việc làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nên không phân biệt phương tiện là của ai. Nên tốt nhất là cứ hỏi thẳng thôi, không nên bỏ qua việc này.
Thực tế thì không ai cấm sử dụng rượu bia, nhưng cần tuân thủ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người xung quanh.
Rõ ràng là, sử dụng dịch vụ chạy xe hộ khi đã uống rượu, bia là một việc làm tốt, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành sẽ phát sinh một số tình huống như: Tài xế điều khiển xe của khách nhưng không có giấy phép lái xe, thậm chí vi phạm nồng độ cồn.
Vì vậy, trước khi giao xe cho tài xế, để đảm bảo an toàn cho chính mình, nên hỏi luôn đã sử dụng rượu bia chưa? Nếu cần thiết có thể đề nghị cho xem giấy phép lái xe.
Như vậy sẽ tránh được tình huống giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Và tất nhiên, cũng sẽ tránh được việc bị tạm giữ phương tiện của chính mình.
Bên cạnh đó, lái xe hộ là dịch vụ mới xuất hiện, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch vụ này để đảm bảo chất lượng.
Hồng Lam