Huyện Đăk Hà: Tăng cường quản lý các loại xe công nông, máy kéo

28/12/2016 14:00

​Hàng năm, đến mùa thu hoạch cà phê tại huyện Đăk Hà, các phương tiện tham gia vận chuyển nông sản thường tăng đột biến, đặc biệt là các phương tiện xe thô sơ, xe công nông, xe máy kéo chuyên dùng trong nông nghiệp. Điều này dẫn tới nguy cơ mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tai nạn.

Theo thống kê của Công an huyện Đăk Hà, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Đăk Hà có chiều hướng phức tạp, nhất là khi bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê; trong đó số vụ tai nạn giao thông liên quan đến các loại xe máy kéo, xe công nông có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông chưa nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với phương tiện xe máy kéo, xe công nông.

Thượng úy Nguyễn Bá Thắng – cán bộ Đội quản lý hành chính giao thông trật tự, Công an huyện Đăk Hà cho biết: Vừa qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ xe máy kéo lật đã đè chết một bà cụ trong lô cà phê. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm an toàn giao thông liên quan đến xe máy kéo diễn ra phức tạp, người điều khiển phương tiện chưa có bằng lái, xe chưa đăng ký theo quy định của pháp luật và chở người trên thùng xe gây mất an toàn cho người và các phương tiện lưu thông khác.

Thực tế, ở những vùng sản xuất nông nghiệp, việc người dân thường xuyên sử dụng các loại phương tiện xe máy kéo, xe công nông để tham gia giao thông diễn ra phổ biến, nhất là vào thời điểm mùa màng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản.

Tuy nhiên, hầu hết người dân trên địa bàn vẫn chưa nâng cao nhận thức trong việc tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với các loại phương tiện này. Thậm chí, những phương tiện máy kéo thường có rất nhiều cái không như: không đăng kiểm, không biển số, không đèn chiếu sáng…

Khi được hỏi về những quy định của pháp luật liên quan đến xe máy kéo, anh Phạm Huy Hiển ở thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) ngập ngừng chia sẻ: Xe máy kéo của mình thực ra khi mua chỉ mua mỗi cái đầu xe là của công ty sản xuất, còn cái rờ-moóc là tự độ chế. Mình chỉ nghĩ xe này chủ yếu chở trong rẫy, ít khi ra đường. Bản thân cũng có biết lái xe này phải có bằng riêng nhưng vẫn chưa kịp học để lấy bằng.

Công an huyện Đăk Hà kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện xe máy kéo. Ảnh: T.H

 

Trước thực trạng trên, Công an huyện Đăk Hà đã triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông; trong đó đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện xe máy kéo, xe công nông trên địa bàn huyện trong niên vụ cà phê 2016 – 2017. Đồng thời, tập trung xử lý các lỗi của người điều khiển và phương tiện xe máy kéo, xe công nông, như: Không có giấy phép lái xe theo quy định; chở người trên thùng xe; xe chở quá tải trọng; không đăng ký xe theo quy định; không đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu; bộ phận hãm không đảm bảo..

Từ việc tăng cường kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng, bên cạnh công tác phối hợp tuyên truyền của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện, đến nay, một bộ phận người dân đã nâng cao ý thức trang bị cho mình những hiểu biết về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, cũng như tự giác tham gia đăng ký đào tạo giấy phép lái xe hạng A4 và đảm bảo các giấy tờ cần thiết theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và cho người tham gia giao thông.

Để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do loại phương tiện xe công nông, xe máy kéo gây ra, bên cạnh việc đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, phối hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông của cơ quan chức năng, người dân cần ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đăng ký thi giấy phép lái xe hạng A4, đăng ký, đăng kiểm và sử dụng các loại phương tiện xe máy kéo, xe công nông đúng mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Thu Hương 

Chuyên mục khác