25/08/2024 06:46
Sáng cuối tuần. Phố xá tấp nập người xe qua lại. Hòa vào “dòng chảy” ấy, tôi thong dong dạo phố.
Đang dừng xe chờ đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Trần Phú-Trường Chinh (thành phố Kon Tum) chuyển xanh thì nghe “rầm”, có vẻ như có tác động mạnh từ phía sau xe.
Nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy một chiếc xe máy ngã ra đường nên hốt hoảng xuống xe, chạy lại kiểm tra. Một cậu thanh niên mặc đồng phục của công ty giao hàng nhanh đang vội vàng dựng xe máy, với thùng hàng cồng kềnh lên.
Rất may là cậu shipper không có vấn đề gì. Sau khi giúp cậu ta chằng buộc lại thùng hàng, tôi mới hỏi: Chú em đi đứng kiểu gì mà lao vào xe anh đang dừng chờ đèn đỏ thế?
Cậu shipper lúng túng xin lỗi và cho biết vì vừa chạy xe vừa mải nhìn địa chỉ giao hàng trên điện thoại nên không để ý đường đi. Sau khi nhắc nhở cậu ta chú ý hơn, không nên xem điện thoại khi lái xe, tôi ngậm ngùi lái xe đến gara thay đèn hậu.
|
Trên đây chỉ là một vụ việc chính tôi trải qua của tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại. Có thể nói, hình ảnh một người lái xe máy bằng một tay, tay kia bấm điện thoại, mắt vừa nhìn đường vừa nhìn điện thoại khá phổ biến trên đường phố hiện nay.
Đối với người lái xe ô tô, hành vi này có vẻ phổ biến hơn. Cách đây ít ngày, tôi tiếp bạn từ xa đến thăm. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, chúng tôi muốn lai rai chút đỉnh, ngồi ôn lại chuyện xưa.
Cũng không thể mấy người uống còn một người ngồi… nhìn, vì lý do lái xe về, nên chúng tôi quyết định tất cả cùng uống, chuyện về nhà đã có dịch vụ lái xe hộ lo.
Sau khi kết thúc, tôi nhờ chủ quán gọi cho dịch vụ lái xe hộ. Mọi người yên tâm lên xe. Xe vừa chuyển bánh thì cậu lái xe lấy điện thoại ra tìm đường đi trên Google Maps. Thấy vậy, tôi yêu cầu cậu ta tắt điện thoại, đi theo chỉ dẫn của tôi.
Em không nên vừa lái xe vừa nhìn điện thoại như thế. Nếu không biết đường thì nên tìm trước khi xe chạy, ngay khi khách nói địa chỉ. Hoặc nếu quên có thể tấp xe vào lề, dừng lại tìm kiếm- tôi góp ý.
Cậu ta hồn nhiên: Em chỉ tìm lướt qua một chút thôi mà. Em cũng quen rồi, sẽ không sao đâu anh.
|
Trên thực tế, vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại là hành vi nguy hiểm mà pháp luật nghiêm cấm. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), sử dụng điện thoại khi lái xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng lái xe có thời hạn.
Cụ thể, phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi trên bị phạt tiền tối đa đến 1 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm có thể áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung.
Đối với người đang điều khiển xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng điện thoại thì mức phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng. Ngoài ra, hành vi sử dụng các thiết bị âm thanh, ví dụ như đeo tai nghe (trừ các thiết bị trợ thính), khi đang điều khiển xe máy cũng sẽ bị xử phạt, với mức phạt tiền tối đa là 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, có thể vì ít (hoặc chưa có) trường hợp nào bị phạt vì hành vi này nên “nhờn”. Thậm chí tôi còn chứng kiến nhiều trường hợp đi qua chốt của lực lượng cảnh sát giao thông, tài xế vẫn vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại.
Mới đây, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi “Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Hoan nghênh và ủng hộ mạnh, đây là việc làm hết sức cần thiết- đây là quan điểm chung của hầu hết ý kiến ghi nhận được trên báo chí.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần thêm quy định là khuyến khích công dân có hình ảnh về người vi phạm cung cấp cho cơ quan công an để có bằng chứng “phạt nguội” thì sẽ góp phần “trị” thói quen xấu này.
Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với với đề xuất này. Lý do là hiện nay tình trạng vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại khá phổ biến. Khi một người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà mắt dán vào điện thoại, không nhìn đường thì vừa cản trở giao thông vừa gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.
Hành vi này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn có thể đe dọa đến tài sản và tính mạng con người. Bởi khi sử dụng điện thoại, tài xế bị cuốn vào những thông tin trên màn hình mà không để ý xung quanh, không hề biết có gì trước mặt, nên không thể làm chủ tình hình.
Kể cả khi nhận biết có sự cố thì cũng bất ngờ, dễ dẫn đến luống cuống, ảnh hưởng đến việc đọc tình huống và ra quyết định xử lý, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Tất nhiên, vẫn có rất nhiều người nhận thức được những hiểm họa từ hành vi này, nên cực kỳ hạn chế, hoặc nói không với việc dùng điện thoại khi đang lái xe.
Phần vì tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phần vì coi trọng an toàn của người khác cũng như chính mình.
Hồng Lam