13/11/2020 13:06
Ám ảnh nỗi đau tai nạn giao thông
Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm, cả nước vẫn có gần 8.000 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với gần 20.000 người bị thương tật suốt đời. Ở tỉnh ta, trong 10 tháng năm 2020, tai nạn giao thông cũng làm 64 người thiệt mạng và 67 người bị thương. Đây là con số đáng báo động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, làm tổn thương cho bản thân người bị nạn cùng thân nhân nạn nhân và gây gánh nặng cho xã hội.
Nhiều năm nay, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đến ám ảnh. Đơn cử như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu tháng 7 năm nay, chiếc xe khách ở tỉnh Thanh Hóa chở hơn 40 người lưu thông trên Quốc lộ 14C qua địa bàn huyện Sa Thầy đã mất lái lao xuống vực sâu khiến 6 người tử vong và hàng chục người bị thương. Trong vụ tai nạn này, có một gia đình đã một lúc mất cả 2 người thân (ông và cháu nội). Người nhà khóc cạn nước mắt và đau xót hơn khi cảnh mái đầu bạc phải tiễn mái đầu xanh, đứa trẻ còn ngây thơ, đã phải lìa xa cõi trần. Nhìn cảnh tượng ấy, không ai có thể cầm lòng và đó là nỗi ám ảnh, mất mát quá lớn đối với người ở lại.
Một vụ tai nạn giao thông khác cũng làm tôi và nhiều người chứng kiến luôn ám ảnh trong tâm trí. Đó là vụ tai nạn giao thông ngay đầu cầu Đăk Bla (thành phố Kon Tum) giữa xe ô tô tải và xe máy đầu tháng 9 năm nay. Người điều khiển xe máy ra đi mãi mãi tuổi đời còn trẻ (18 tuổi) đang nuôi bao hoài bão và ước mơ. Nạn nhân vừa thi xong tốt nghiệp THPT và có thông báo đã đậu đại học. Cái chết của học sinh này khiến ai chứng kiến cũng thấy rùng mình bởi thân thể không còn nguyên vẹn khi bị chiếc xe tải chèn qua người. Người nhà khi biết tin đã “chết lặng”. Không đau sao được khi bao niềm hy vọng, niềm tin, niềm mong mỏi của cha mẹ vào người con mà bao năm vất vả nuôi nấng bỗng vụt tắt chỉ trong tích tắc. Người thì đã mất nhưng nỗi đau ấy không biết bao giờ mới nguôi ngoai với người ở lại.
|
Mới đây, trong chuyến thăm hỏi thân nhân gia đình có người tử vong ở Đăk Tô, chúng tôi đến thăm động viên, chia sẻ với chị Y Duyên (làng Kon Cheo, thị trấn Đăk Tô)- chị có chồng bị tử vong do tai nạn giao thông tháng 7/2020. Đến nay, dù đã gần 4 tháng kể từ khi chồng chị là anh A Vit ra đi mãi mãi do tai nạn giao thông nhưng chị vẫn không tin là chồng mình đã chết. Nước mắt chị cứ tuôn chảy mỗi khi 4 đứa con nheo nhóc (đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi) cứ hàng ngày hỏi về người cha sao không về đi bắt cá để cải thiện bữa ăn như những ngày trước. Những câu hỏi khiến chị không biết giải thích với chúng ra sao và khiến chị càng quặn đau. Những đứa trẻ ngây thơ vẫn chưa cảm nhận được mất mát ấy nhưng với chị Y Duyên thì quá đau buồn, bởi, giờ đây, chị không biết sẽ phải làm gì để nuôi 4 người con ăn học. Gánh nặng đó đang khiến đôi vai chị trĩu nặng, dường như quá với sức của người phụ nữ vốn “chân yếu tay mềm”.
Để không còn những nỗi đau
Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông thì rất nhiều, chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì sau các vụ TNGT, người may mắn sống sót thì mang thương tật suốt đời; người không may thì ra đi mãi mãi, để lại những khoảng trống không thể bù đắp cho người ở lại. Nỗi đau mất người, mất của khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch.
Trước những nỗi đau mất mát quá lớn do tai nạn giao thông nên hàng năm thế giới đã chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 là Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp “Tưởng nhớ người đi- Vì người ở lại”.
Đây là năm thứ 9, nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Suốt 9 năm qua, vào dịp này cả nước và tỉnh ta đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong; tổ chức các đoàn đi thăm hỏi động viên, chia sẻ thân nhân gia đình có người tử vong do tai nạn giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để mọi người hiểu về nỗi đau và hậu quả của tai nạn giao thông gây ra đối với gia đình và xã hội để nâng cao ý thức chấp hành, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Thông qua hoạt động tưởng niệm nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Đồng thời, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông. Ngoài ra, qua hoạt động tưởng niệm kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Hướng, đây là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời, cũng là dịp để nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: Đã uống rượu, bia không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không sử dụng điện thoại khi lái xe... Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo phải làm những tấm gương mẫu mực về văn hoá giao thông, về ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em.
Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!
Vì sự an toàn trên mọi con đường! Vì hạnh phúc của mọi người! Mỗi người tham gia giao thông hãy tự nâng cao ý thức, có trách nhiệm, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông, để bảo vệ an toàn tính mạng của chính mình và cộng đồng, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì tai nạn giao thông.
Trong hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, ngoài các địa phương trong tỉnh tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình có người tử vong, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng tổ chức đi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với 7 trường hợp thân nhân có người tử vong do tai nạn giao thông đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 huyện là Sa Thầy, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Tại đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đã trao tiền hỗ trợ cho mỗi hộ 2 triệu đồng.
Hà Nam