22/02/2021 06:01
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2021 (từ ngày 10-16/2) toàn quốc xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 109 người, bị thương 123 người. So với bảy ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tai nạn giao thông giảm 16 vụ (giảm 8,08%), giảm 24 người chết (giảm 18,05%), giảm 51 người bị thương (giảm 29,31%). Thống kê đó chưa phản ánh đúng thực trạng và ý thức của người tham gia giao thông. Bởi đó chỉ mới là con số thống kê của lực lượng chức năng về số vụ tai nạn giao thông, còn những vụ va chạm nhỏ do người tham gia giao thông tự giải quyết với nhau là chưa tính đến.
|
Vậy là dịp tết mang ý nghĩa vui tươi, đoàn viên, sum họp với không ít gia đình lại kém vui, thậm chí là buồn đau. Vì phía sau những vụ tai nạn giao thông và chạm giao thông đó sẽ có những trường hợp nhẹ thì bị xây xước, nặng thì bị thương phải nằm viện dài ngày, có người còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Không chỉ là những nạn nhân trực tiếp, gia đình của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông cũng không tránh khỏi buồn đau, mất mát cả về của cải lẫn tinh thần.
Hậu quả trước mắt hiển hiện rõ qua mỗi ngày, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết nhưng với nhiều người tâm lý chủ quan, thiếu ý thức khi tham gia giao thông vẫn còn tồn tại. Hàng loạt các vi phạm dễ dàng được chỉ ra: Phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không bật đèn xi nhan, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở kẹp năm kẹp ba, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường…Đặc biệt, vi phạm phổ biến trong dịp tết khiến nhiều người ngán ngẩm nhất phải kể tới là tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Ai cũng tâm lý vui xuân, nhà này uống ly bia, nhà kia uống cốc rượu, mỗi nhà mỗi chút, ra đường chân nam đá chân chiêu, tai nạn giao thông là điều dễ gặp.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã có hiệu lực từ năm trước. Mặc dù đa số người dân đã nêu cao ý thức chấp hành nhưng vẫn còn một số trường hợp vẫn lấy cớ vui xuân, uống mỗi nhà mỗi tí nên chếnh choáng khi tham gia giao thông và đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Các trường hợp vi phạm này khi bị lực lượng chức năng xử phạt thì thường tìm đủ mọi cách để xin xỏ, ngày xuân, ngày tết mà. Không đội mũ bảo hiểm, lý do chúc tết các nhà gần nhau nên nghĩ chẳng cần đội. Kẹp năm kẹp ba, lý do tiện đường chúc tết chở nhau vượt số lượng một chút. Chạy quá tốc độ, lý do vội quá. Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, lý do ngày tết mà, tranh thủ kiếm đôi đồng…
Chính tâm lý vui xuân, vui tết đã dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp tết luôn ở mức cao. Trong khi đó, chỉ cần một lý do, tai họa đã có thể giáng xuống, chứ đừng nói nhiều lý do cùng kết hợp, như vừa có men rượu cùng với vượt đèn đỏ hoặc không mũ bảo hiểm…Một chút bất cẩn của bản thân cộng với sự tùy tiện, cẩu thả mang tính tập thể của những người khác, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt trên tuyến và địa bàn trọng điểm với quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tránh tâm lý “nể nang”, “nhẹ tay” trong ngày tết. Vì, tai nạn giao thông chẳng bao giờ nể nang, nhẹ tay cho bất kỳ một ai. Cùng với sự chủ quan của người dân, chính sự nể nang của lực lượng chức năng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận thanh, thiếu niên và người dân có tâm lý “nhờn luật”, không tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ và vi phạm nồng độ cồn…
Tuy nhiên, nghĩ thì đơn giản là vậy nhưng trên thực tế thì lực lượng chức năng cũng gặp khó khi không đủ lực lượng, phương tiện để dàn đều, bao quát hết ở các điểm. Rồi có chuyện, chủ nhà hàng, quán nhậu khi phát hiện lực lượng chức năng lập chốt gần nhà hàng, quán nhậu nhà mình đã tìm đường tránh cho “thượng đế” của mình “thoát hiểm”; rồi nhiều người không làm chủ hành vi của mình nên không hợp tác, say quá thổi nhiều lần vẫn không xong hay có trường hợp còn cố thủ trong xe ô tô hay đe dọa nhấn ga nhằm bắt cảnh sát giao thông tránh đường… Hơn nữa, như đã nói đây chỉ mới là giải pháp của phần ngọn, quan trọng hơn cả, các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết phần gốc của vấn đề: Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng, mức xử phạt của việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Cùng với đó, công tác kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn cũng phải được thực hiện thường xuyên liên tục, đảm bảo nghiêm minh, tránh tình trạng “đến hẹn lại lên”, “chìm xuống” ngay sau đợt ra quân cao điểm…Và, một khi nhận thức đúng kết hợp cùng với việc xử lý nghiêm minh của ngành chức năng thì chắc chắn mỗi người sẽ có thái độ, hành động đúng, tự nguyện “nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
Phúc Nguyên