05/12/2018 13:27
Điều đáng nói, sau khi uống rượu bia vẫn “vô tư” điều khiển phương tiện không chỉ diễn ra đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà cả đối với những người lái xe ô tô.
Chính việc lạm dụng rượu bia rồi tham gia giao thông đã gây ra những vụ tai nạn giao nghiêm trọng, để lại những hệ lụy đau lòng, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội.
Vào cuối tháng 10/2018 vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phụ nữ sau khi uống rượu bia vẫn điều khiển xe ô tô, rồi gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn, đâm hàng loạt xe máy và xe ô tô làm 1 người chết tại chỗ và 7 người bị thương là một trong những vụ tai nạn mang tính điển hình cho việc bất chấp quy định khi tham gia giao thông, lạm dụng rượu bia rồi lái xe, để rồi gây ra tai nạn mà xã hội đang lên án gay gắt.
|
Ở tỉnh ta cũng từng xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Đơn cử cách đây 2 năm, một cán bộ huyện, sau khi uống rượu bia điều khiển xe ô tô từ huyện về nhà rồi gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người đi xe máy bị thương.
Một trường hợp khác nghiêm trọng hơn xảy ra vào tháng 6/2015. Đó là vụ việc một người đàn ông ở huyện Ngọc Hồi dù chưa có giấy phép lái xe nhưng sau khi sử dụng rượu bia lại “vô tư” cầm vô lăng điều khiển xe ô tô và gây ra vụ tai nạn liên hoàn làm 2 người chết và 5 người bị thương.
Các vụ việc nêu trên đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh đối với người vi phạm nhằm giữ nghiêm kỷ cương và có tác dụng răn đe với những người bất chấp quy định. Song, chúng tôi muốn nêu lên đây để mọi người thấy được những hệ lụy khôn lường đối với bản thân, gia đình và xã hội khi chúng ta vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh, tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn rất nghiêm trọng, để lại những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Và, cũng theo thống kê, đa số các vụ tai nạn giao thông đều có liên quan đến rượu bia, chiếm từ 70-80% số các vụ tai nạn giao thông.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh cho biết, khá nhiều người gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông thừa nhận rằng họ tham gia giao thông khi đã uống rượu bia. Trong khi đó, khi trong người có men rượu thì người điều khiển phương tiện thường hay phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ, thậm chí còn lạng lách, đánh võng… dẫn đến việc gây tai nạn cho chính bản thân họ và người tham gia giao thông.
Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là hiểm họa được báo trước thế nhưng thực tế tình trạng điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia vẫn diễn ra khá phổ biến trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng.
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng quy định rất rõ: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với tài xế ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế xuống mức rất thấp nồng độ cồn trong máu với người lái xe máy.
Mức xử phạt với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu cũng được tăng nặng như: đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng tùy vào mức độ vi phạm (Điều 5 Nghị định 46)...
Quy định là vậy nhưng việc xử phạt các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia cũng không hề đơn giản. Lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, bởi sự chống đối, nhất là với các trường hợp say rượu bia. Việc yêu cầu người say rượu thổi để đo nồng độ cồn trong máu, trong lít khí thở rất khó khăn bởi sự cãi vã, quanh co, cản trở…
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã mời Ban An toàn giao thông và các cơ quan truyền thông các địa phương tham dự hội nghị tập huấn Truyền thông thay đổi hành vi “Đã uống rượu bia- không lái xe” và truyền thông điệp “uống có trách nhiệm, vì sự an toàn cho bản thân, vì cộng đồng” để đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân.
Tại hội nghị này, ông Khuất Việt Hùng -Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng rượu bia rồi lái xe nhiều so với nước khác. Bởi vậy, chúng ta cần phải đổi mới cách thức truyền thông để làm thay đổi hành vi nhận thức của người dân; cần can thiệp làm sao để họ hiểu biến từ hành vi thói quen ấy trở thành hành động cụ thể “Đã uống rượu bia- không lái xe” và đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức “uống có trách nhiệm”, tức là uống có điểm dừng, có mức độ… qua đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia…
Mỗi người tham gia giao thông phải nhận thức rõ những hiểm họa tai nạn giao thông từ việc uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông để sử dụng cho phù hợp và có trách nhiệm, tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cho chính mình.
Phúc Nguyên