26/09/2018 06:59
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành chức năng đang triển khai các giải pháp để đèo Lò Xo không còn là nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông.
Để hạn chế tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo hiệu, hệ thống hộ lan và hệ thống phản quang ban đêm ở tim và 2 bên đường để lái xe dễ nhận biết.
Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Kon Tum cũng cử một tổ Cảnh sát Giao thông (thuộc Trạm Cảnh sát Giao thông Ngọc Hồi) túc trực 24/24 thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tại đèo Lò Xo. Tổ tuần tra này thường xuyên có mặt trên đỉnh đèo kiểm tra, nhắc nhở lái xe cẩn trọng lên đèo và xuống đèo phải kiểm tra máy móc, kiểm soát tốt hệ thống phanh, số khi đổ đèo…
|
Tuy vậy, tình trạng tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê của ngành chức năng, trong thời gian từ tháng 1/2005 đến 6/2018 trên đoạn đèo này xảy ra 192 vụ tai nạn giao thông, làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng các phương tiện. Và mới đây nhất là vụ xe khách lao xuống vực trên đoạn đường đèo này hồi cuối tháng 6/2018 làm 3 người tử vong và hơn chục người bị thương; chiếc xe bị hư hỏng nặng.
Qua phân tích nguyên nhân của ngành chức năng, đa số các vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo xảy ra đối với xe khách và xe tải, lái xe chưa quen đường, chưa quen với dốc dài, ít có kinh nghiệm đi đèo lại chủ quan nên lúng túng khi trong xử lý khi gặp sự cố. Hơn nữa, đoạn đường này lại có độ dốc lớn (lên tới 10%) và dài liên tục (từ 2-4,5km), trong khi đó, nhiều đoạn đường cong, tầm nhìn hạn chế…
Trên đèo Lò Xo tồn tại nhiều điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum cũng đã có nhiều văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu có giải pháp khắc phục, thậm chí tỉnh Kon Tum còn đề xuất cả việc xây dựng đường tránh qua đèo.
Mới đây nhất vào cuối tháng 8/2018, khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong chuyến công tác tại Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cần phải có giải pháp căn cơ và triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đèo Lò Xo nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.
Từ đề xuất của tỉnh Kon Tum và ngành chức năng của Bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất 4 nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông qua đèo Lò Xo.
Thứ nhất, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, lắp đặt biển hạn chế tốc độ tại điểm đen có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao; lắp thiết bị giám sát tự động; bố trí 2 điểm dừng kiểm tra kỹ thuật xe; tăng cường thiết bị hộ lan phòng hộ…
Thứ hai, sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng các hốc cứu nạn và 2 đường cứu nạn tại các vị trí thích hợp, nguy hiểm; mở rộng đường cong, bạt mái taluy và hạ thềm tầm nhìn ở các vị trí khuất tầm nhìn và xây dựng làn đường hãm xe tại các vị trí nguy hiểm...
Thứ ba, cải tạo cục bộ một số tuyến địa hình cua dốc lớn, nguy hiểm bằng cầu cạn, kè, hầm chui và cải nắn cục bộ một số đường cong khối lượng lớn.
Thứ tư là, phối hợp giữa các cấp chức năng từ trung ương đến địa phương đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đoạn tuyến đèo Lò Xo thông qua xử lý các vi phạm và tuyên truyền các kỹ năng lái xe khi đổ đèo...
Hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất gồm: Lắp đặt cụm biển báo hạn chế tốc độ, lắp camera giám sát, bổ sung sơn kẻ đường, đinh phản quang, gờ giảm tốc, tăng cường thiết bị hộ lan phòng hộ...
Đối với 3 nhóm giải pháp còn lại, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo triển khai trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo tính toán, kinh phí để triển khai 3 nhóm giải pháp sau khá lớn; ước tổng kinh phí là 24.000 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí lớn như vậy, trong thời gian ngắn khó có thể có đủ vốn để khắc phục các điểm đen gây tai nạn giao thông trên đoạn đường này; vì vậy, trước tiên, để hạn chế tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo, mỗi người lái xe cần tuân thủ quy định về tốc độ, không chủ quan và cần cẩn trọng mỗi khi lên xuống đèo.
Lái xe Nguyễn Văn Việt (32 tuổi, lái xe nhà xe Hùng Hoàng tuyến Gia Lai - Hà Tĩnh, có nhiều năm đi trên đoạn đường này) cho biết, mỗi khi lên xuống đèo, cần kiểm tra hệ thống phanh hãm, lốp; xuống đèo đi số nhỏ để có độ ghì, qua đó giảm sử dụng phanh hãm xe. Vì khi phanh nhiều, hệ thống phanh nóng lên gây giãn nở trong hệ thống phanh rất dễ bị vô hiệu hoá phanh. Hơn nữa, để đảm bảo qua các đoạn góc cua có bán kính hẹp thì đi chậm, đi đúng làn đường bám độ nghiêng của mặt đường...
Trên thực tế, hầu hết các xe tải, xe khách chạy Bắc- Nam và ngược lại khi qua đoạn đèo Lò Xo thường rơi vào buổi tối (từ 20h hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau). Đây cũng là thời điểm lái xe cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Vì vậy, theo một cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, để bảo đảm an toàn trước khi lên xuống đèo, lái xe cần dừng xe nghỉ ngơi một lúc, nhằm giảm độ nóng cho máy, phanh, lốp; đồng thời lái xe nên rửa mặt cho tỉnh táo để lên xuống đèo được an toàn…
Ngoài những giải pháp đã và đang triển khai của ngành chức năng, điều đầu tiên mỗi lái xe nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, cẩn trọng và không chủ quan, đi đúng tốc độ, làn đường quy định mỗi khi qua đèo Lò Xo nhằm đảm bảo an toàn cho mình và hành khách…
Phúc Nguyên