Cương quyết xử lý xe không bảo đảm điều kiện lưu hành

13/05/2017 14:22

Đủ kiểu xe máy độ chế: độ khung, độ đầu, độ pô…, thậm chí độ nguyên cả xe. Những chiếc xe không đảm bảo an toàn đó vẫn đang lưu hành khá nhiều trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Cao điểm xử lý nghiêm xe độ chế

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 phương tiện cơ giới đường bộ không đảm bảo điều kiện lưu hành; trong đó có 225 xe ô tô, hơn 3.000 mô tô, xe gắn máy cải tạo, lắp ráp trái phép… Ngọc Hồi là địa phương có nhiều xe độ chế nhất với hơn 1.200 chiếc, Sa Thầy hơn 570 chiếc, Đăk Glei gần 540 chiếc... Tuy nhiên, số liệu này cũng chưa thực sự đầy đủ, bởi thực tế số lượng xe tạm giữ vừa qua rơi vào đối tượng thanh thiếu niên, còn lại là trôi nổi ở các địa bàn vùng sâu vùng xa khó kiểm soát. Các đơn vị chức năng đang tiếp tục tiến hành rà soát kiểm tra, xử lý loại xe này.

Để tăng cường hơn nữa việc xử lý xe độ chế, xe hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo điều kiện lưu hành, vừa qua, Công an tỉnh đã có Kế hoạch số 486 ngày 28/3/2017 về kiểm tra, xử lý xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện kế hoạch này, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh cũng đã có kế hoạch tăng cường lực lượng phối hợp với công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với loại phương tiện này.

Nhiều xe độ chế bị Công an huyện Ngọc Hồi phát hiện xử lý. Ảnh: V.P

 

Đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông cho biết: Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, cuối tháng 3/2017, Phòng đã xây dựng kế hoạch “Kiểm tra, xử lý xe ô tô, mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh năm 2017” và kế hoạch “Tăng cường lực lượng phối hợp với công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát, xử lý xe không đảm bảo điều kiện lưu hành”. Theo đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh lần lượt thực hiện cao điểm tại các huyện và địa bàn đầu tiên được lựa chọn là huyện Ngọc Hồi - một trong những địa phương có lượng xe máy độ chế nhiều.

“Trước tiên, Phòng sẽ huy động tối đa phương tiện, phối hợp với Cảnh sát Cơ động, công an các huyện có đường biên giới như Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H'Drai, tập trung vào xử lý xe độ chế, xe không đảm bảo điều kiện lưu hành. Sau khi xử phạt xong thì bắt buộc phải khắc phục như ban đầu, tháo dỡ phần độ chế. Những xe không có giấy tờ thì tạm giữ, tịch thu theo quy định của pháp luật”- Đại tá Toàn khẳng định.

Đầu tháng 4/2017 ngoài việc phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, Công an huyện Ngọc Hồi đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát Điều tra, Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã để truy quét xe độ chế. Qua đó đã lập biên bản thu giữ nhiều xe máy độ chế, hầu hết các xe máy này đã được các đối tượng thay đổi hình dáng cũng như thiết bị kỹ thuật của xe.

Khó khăn trong xử lý

Theo Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Ngọc Hồi, xe máy độ chế trên địa bàn huyện mặc dù chưa gây ra vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng, nhưng loại phương tiện này đang chứa đựng yếu tố tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Ngao ngán trước bãi xe máy độ chế bị bắt, Đại úy Nguyễn Văn Minh - cán bộ Cảnh sát Giao thông Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: Có rất nhiều kiểu xe độ chế, với nhiều mục đích khác nhau, như độ chế để chở hàng nông sản từ rẫy về, độ chế để chở gỗ lậu, thậm chí có cả những thanh niên độ chế để chơi ngông…

Anh Nguyễn Xuân H - một thợ sửa xe máy ở Ngọc Hồi cho biết: Hầu hết các xe độ chế đều được thay mới một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng nên chạy với vận tốc rất lớn. Một xe máy thông thường chạy vận tốc tối đa khoảng 90km/giờ, nhưng khi được độ chế, có thể chạy đến vận tốc 120 - 140km/giờ nên đã thu hút được sự chú ý của các thanh thiếu niên săn lùng tìm mua chúng. Điều đáng nói là những thanh niên này lại xem chiếc xe máy như một món đồ chơi lý thú mà không quan tâm đến sự mất an toàn giao thông từ những chiếc xe máy độ chế sẽ gây hậu quả đối với bản thân mình và người tham gia giao thông như thế nào. Thanh niên thường đến các tiệm bán phế liệu tìm mua sườn xe máy với giá khoảng 200 - 300 ngàn đồng, sau đó mang đến các tiệm sửa xe để độ chế lại. Một chiếc xe máy sau khi độ chế hoàn thiện sẽ mất khoảng 4 triệu đến 6 triệu đồng, thậm chí đến 20 triệu đồng tùy vào bộ phận được thay thế và kiểu dáng lạ mắt của nó.

Bên cạnh việc các thanh thiếu niên sử dụng xe độ chế để tham gia vào các thú vui vô bổ của mình thì người dân còn sử dụng xe độ chế để đi làm nương rẫy, vận chuyển nông sản, lâm sản trái phép. Khi gặp lực lượng chức năng, họ tìm cách luồn lách và chạy với tốc độ rất cao để tránh bị kiểm tra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh - Phó trưởng Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: Xử lý xe độ chế rất phức tạp. Tất cả các xe này đều không được phép lưu thông, vì vậy khi phát hiện là phải tịch thu ngay, nhưng việc tịch thu hoặc xử lý cũng gặp không ít khó khăn khi bị người dân cản trở. Đơn cử, ngày 4/4 tại thôn Dục Nhầy, xã Đăk Dục, trên đường liên xã, tổ tuần tra kiểm soát phát hiện ông A Tạ đang ngồi trên một chiếc xe máy độ chế. Thấy lực lượng chức năng tới, ông A Tạ liền nổ máy chạy xe độ chế đi núp. Tuy nhiên, khi bị lực lượng tịch thu thì ông A Tạ đã kêu nhiều người ra ngăn cản gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Điều đáng nói nữa là ngay cả khi bị bắt giữ, công tác xử phạt cũng khó thực hiện. Bởi khi bị bắt, hầu hết người điều khiển phương tiện đều bỏ xe, không thực hiện lệnh xử phạt của ngành chức năng. Tại Công an huyện Ngọc Hồi, hàng chục chiếc xe độ chế, xe hết niên hạn sử dụng bị tạm giữ từ nhiều tháng qua, nhưng chẳng có chiếc xe nào chủ nhân của chúng quay lại. Đây là thực tế không chỉ diễn ra ở huyện Ngọc Hồi mà còn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Để ngăn chặn mối nguy hại tiềm ẩn tai nạn giao thông từ xe độ chế, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với công an các huyện siết chặt hơn nữa công tác quản lý phương tiện; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về thay đổi kết cấu xe; đồng thời chủ động phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ xe độ chế, đặc biệt tuyên truyền cho những người sửa chữa xe máy ký cam kết không nhận độ chế xe sai quy định. Ngoài ra, đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, kiên quyết xử lý nghiêm người sử dụng, điều khiển xe độ chế tham gia giao thông…

Văn Phương

Chuyên mục khác