30/10/2019 06:07
Tai nạn giao thông tại khu vực họp chợ ven đường Hồ Chí Minh cũng đã từng xảy ra tại địa bàn tỉnh Gia Lai - địa phương tiếp giáp với tỉnh ta. Theo đó, vào sáng 3/8, tài xế Nguyễn Văn Nhất (SN 1979, trú tại tỉnh Phú Thọ) điều khiển xe khách biển kiểm soát 19B-009.18 (tuyến Phú Thọ - Bình Dương) lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Bắc-Nam, khi đến khu vực chợ trung tâm huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) thì bất ngờ lao vào nhóm người đang buôn bán khiến 4 người chết. Đây chính là một bài học cảnh tỉnh đối với các ngành chức năng về việc phòng chống tai nạn giao thông ở những địa điểm như trên.
Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều vị trí chợ (kể cả chợ được xây dựng bài bản và chợ tự phát) nằm sát bên tuyến đường Hồ Chí Minh đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại. Điều đáng nói, hầu hết ở các huyện, thành phố nằm dọc trên đường Hồ Chí Minh đều có chợ nằm sát bên đường. Trong khi đó, người dân họp chợ không chỉ lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến giao thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.
|
Một điều nữa, các chợ tự phát nằm chủ yếu ở những vị trí trọng điểm, nhiều xe cộ qua lại. Ở các chợ này, nhiều người vô tư “dựng xe vô tội vạ” ngay sát đường, gây nên cảnh lộn xộn cho chính những người bán hàng và các phương tiện tham gia giao thông.
Đơn cử như chợ xã Đăk La (huyện Đăk Hà), chợ này nằm sát đường Hồ Chí Minh ở ngay ngã ba đường vào một thôn của xã Đăk La. Ngoài ra, tại đây có hai ngã ba đường chỉ cách nhau khoảng vài mét. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Chợ lại nằm ngay góc cua của đường Hồ Chí Minh, nhiều phương tiện đi qua liên tục. Tại đoạn đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người bị thương. Thế nhưng, chính quyền và các ngành chức năng nơi đây vẫn để chợ họp bình thường, như không hề có chuyện gì xảy ra.
Ông Lương Hường (ở thôn 6, xã Đăk La) cho biết: Tôi thấy chợ sát bên đường như thế này rất nguy hiểm. Việc đi lại cũng khó khăn, đặc biệt vào giờ tan tầm, lượng người và xe qua lại rất đông. Chúng tôi mong rằng xã, huyện bố trí, xây dựng chợ ở vị trí khác đàng hoàng, sạch sẽ hơn để người dân đi lại được an toàn.
Tương tự, ở xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei), chợ tự phát trên đường Hồ Chí Minh cũng là địa điểm tụ họp đông người gần nút giao thông nên rất nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Chợ này nằm ngay đoạn đường hẹp nhất, xe đi lại nhiều cả ngày lẫn đêm. Chợ thường họp đông nhất vào buổi sáng sớm. Vào thời điểm này lượng xe khách Bắc - Nam lưu thông ngang qua đây nhiều, rất nguy hiểm; chỉ cần lái xe lơ là, thiếu tập trung là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài các chợ tự phát, tại trung tâm một số huyện, các chợ cũng được quy hoạch, xây dựng sát quốc lộ. Đơn cử như các chợ huyện Đăk Hà, Đăk Tô và Ngọc Hồi đều đặt vị trí sát đường Hồ Chí Minh. Các hộ buôn bán sử dụng lề đường, vỉa hè, lấn chiếm hành lang đường bộ để kinh doanh buôn bán nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Hơn nữa, người dân kinh doanh lại đổ rác thải ra đường, làm mất vệ sinh, nhếch nhác, ảnh hưởng đến cảnh quan và tiềm ẩn nhiều hiểm họa tai nạn…
|
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Đặng Văn Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Chợ thị trấn Plei Kần do được xây dựng từ xưa, lúc bấy giờ chưa tính toán hết yếu tố mất an toàn giao thông, do dân cư chưa đông đúc, phương tiện tham gia giao thông qua đây chưa nhiều như bây giờ. Huyện Ngọc Hồi đã nhận thấy những bất cập gây mất an toàn giao thông và đang tiến hành quy hoạch, bố trí lại ở vị trí khác an toàn hơn.
Ông Nguyễn Danh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục III.4, Cục Quản lý đường bộ III cho biết: Thông thường không ai cho phép quy hoạch chợ sát quốc lộ, nhưng tôi nghĩ trên đường Hồ Chí Minh hiện nay, các huyện đều có chợ nằm sát đường, một phần do một số chợ tồn tại từ lâu, hoặc đã được quy hoạch trước khi có đường Hồ Chí Minh đi ngang qua. Trước thực tế đó, chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức chấp hành nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Ngoài các chợ huyện kể trên, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cũng còn hàng chục điểm họp chợ dân sinh tự phát ở các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Các chợ tạm này ngang nhiên tồn tại, không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần quy hoạch đầu tư xây dựng chợ ở địa điểm an toàn, xa quốc lộ; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức để phòng chống những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra từ việc họp chợ ven đường.
Văn Phương