24/01/2019 06:43
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở các xã, kể cả xã vùng sâu, vùng xa được xây dựng, nâng cấp. Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện góp phần giúp người dân giao lưu, thông thương buôn bán.
Bên cạnh đó, đời sống người dân tại vùng nông thôn được nâng lên, người dân có điều kiện mua sắm phương tiện xe máy để phục vụ đi lại và giao thương.
Phương tiện giao thông ở vùng nông thôn tăng lên đáng kể nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân lại hạn chế, tình trạng vi phạm quy định về TTATGT diễn ra khá phổ biến. Tai nạn giao thông nông thôn đang là vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy, các cấp chính quyền và ngành chức năng đang tìm giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tai nạn giao thông ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Là người làm báo, chúng tôi có dịp đi nhiều đến các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và hết sức ngạc nhiên khi thấy hình ảnh nhiều người dân nơi đây vô tư vi phạm quy định bảo đảm TTATGT.
Đi trên các tuyến đường, từ quốc lộ đến đường liên xã, liên thôn, chúng ta dễ dàng nhận thấy đủ các kiểu vi phạm quy định về TTATGT của người dân. Các lỗi vi phạm thường bắt gặp như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đặc biệt là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của một số thanh thiếu niên…
|
Ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ huyện Đăk Hà đến huyện Đăk Glei, chúng tôi thấy người dân chỉ chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ ở khu vực có lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) tuần tra, hoặc ở khu vực thị trấn qua trung tâm huyện hay những điểm mà lực lượng CSGT thường đi tuần tra. Còn lại dọc tuyến đường này, kể cả khi đi qua các trung tâm xã, thôn như ở xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), Tân Cảnh, Diên Bình (huyện Đăk Tô), Đăk Dục, Đăk Ang, Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi), Đăk Kroong, Đăk Man (huyện Đăk Glei)… có khá nhiều người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Phổ biến nhất là người điều khiển xe mô tô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định.
Trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, tình trạng vi phạm còn phổ biến hơn. Tại đây, đa số người dân không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Khi được hỏi, mỗi người đưa ra một lý do: nhà gần, đi loanh quanh trong thôn, xóm mà, có công an đâu mà đội…
Một thực trạng đáng quan tâm nữa là, ở vùng nông thôn có không ít trẻ em chưa đến tuổi được phép điều khiển xe máy vẫn vô tư điều khiển xe máy chạy trên đường. Các em không chỉ điều khiển chạy xe một mình mà còn chở 2, chở 3. Chắc chắn rằng, các bậc cha mẹ cũng biết các em chưa đủ tuổi nhưng vẫn giao xe cho các em điều khiển, bởi không ít bậc cha mẹ cho rằng ở nông thôn lượng xe tham gia giao thông ít nên không dễ xảy ra tai nạn đâu mà sợ(!)
Tình trạng thanh niên nhiều vùng nông thôn trong các cuộc vui, thường uống rượu, bia đến say xỉn, sau đó lên xe máy điều khiển phóng nhanh vượt ẩu, trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống kém, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông cũng là vấn đề đáng báo động.
Một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông ở vùng nông thôn nữa là vẫn còn những chiếc xe độ chế tham gia giao thông. Xe máy độ chế được người dân sử dụng không chỉ vận chuyển nông sản cồng kềnh mà lại còn phóng nhanh, vượt ẩu, rú ga, nẹt pô... khiến nhiều người đi đường cảm thấy “rợn tóc gáy”.
Qua tìm hiểu ở ngành chức năng và chính quyền địa phương cơ sở, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là đã vận động, tuyên truyền và yêu cầu các cơ sở sửa chữa xe máy cam kết không nhận, sửa chữa, độ chế các loại xe. Hầu hết các cơ sở đều cam đoan và ký vào bản cam kết. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở sửa chữa xe máy ở các xã vùng sâu vùng xa vẫn sửa chữa, độ chế xe và tình trạng xe độ chế được người dân sử dụng không những không giảm mà còn gia tăng…
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình trạng vi phạm TTATGT ở vùng nông thôn phổ biến, ngoài ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa cao thì một phần do lực lượng chức năng rất ít quan tâm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại địa bàn này. Hơn nữa, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cơ sở chưa quan tâm nhiều đến việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT đến người dân. Chính vì thế, nguy cơ mất an toàn giao thông ở vùng nông thôn vẫn ở mức cao.
Theo số liệu thống kê của ngành Giao thông, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay chỉ đứng sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; tỷ lệ tai nạn trên đường liên thôn, tuyến huyện lộ và tỉnh lộ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Trong năm 2018, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã ở tỉnh ta xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông (chiếm 16,9%), làm 12 người chết (chiếm 19%) và 5 người bị thương (chiếm 7,24%). Nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT; thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đi xe máy tuân thủ tốc độ quy định; đã uống rượu bia thì không lái xe...
Để người dân có thể chuyển biến nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách thường xuyên liên tục, gắn với các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn hóa, hội họp của thôn, làng…
Ngoài ra, ở mỗi thôn làng cần thành lập các tổ tuyên truyền về ATGT lấy thành phần nòng cốt là thôn trưởng, già làng, bí thư đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, phụ nữ và công an thôn... để làm công tác tuyên truyền vận động người dân.
Về lâu dài, cũng cần đưa việc thực hiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào hương ước, quy ước của thôn làng, đồng thời lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xét công nhận gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa… từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở vùng nông thôn, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn…
Việc kiểm soát ATGT ở nông thôn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng ở địa phương cơ sở khu vực nông thôn (công an xã, dân quân tự vệ…) và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương. Cùng với đó, nên ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã với công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn… Như vậy, sẽ góp phần làm cho hoạt động giao thông ở vùng nông thôn diễn ra an toàn, tính mạng và tài sản của người dân được bảo đảm.
Phúc Nguyên