Ðảng viên trẻ với hành trình khởi nghiệp

08/09/2024 14:27

Từ những bài học lớn rút ra trong hành trình khởi nghiệp nhiều khó khăn, đảng viên trẻ, Giám đốc Công ty TNHH APANAX - Nguyễn Thị Minh Ngọc (36 tuổi), thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, mong các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ càng trước khi quyết định khởi nghiệp.

Tôi không kinh doanh cũng chưa từng thất bại trong kinh doanh nên chưa thể hiểu hết những bão giông của chị Ngọc trong hành trình khởi nghiệp đầy những chông gai. Khi biết rằng, đã có lúc chị Ngọc như muốn “phát điên” trước dồn dập các thách thức, mới phần nào mường tượng được những khó khăn chị trải qua. Và trong “cuộc chiến khởi nghiệp ấy”, với ý chí quyết tâm của một đảng viên trẻ, quyết phấn đấu vì mục tiêu đề ra, chị Ngọc bản lĩnh chinh phục “ngọn núi” khó khăn để gặt về những thành quả xứng đáng.

Cất bằng thạc sĩ để… làm nông

Với những nỗ lực, phấn đấu trong học tập và rèn luyện, năm 2011, chị Ngọc được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn là sinh viên. Sau khi nhận được học bổng, qua quá trình du học, nhận bằng thạc sĩ, chị Ngọc có nhiều định hướng trong công việc mang lại thu nhập ổn định tại một công ty đa quốc gia ở Thành phố Hồ Chí Minh. Song, khi mẹ bị tai nạn, chị đành gác khát vọng trẻ, về quê với mong muốn đỡ đần, phụ giúp cho cha mẹ.

“Thực ra, khi trở về, mình có ý nghĩ sẽ áp dụng những kiến thức học được để làm phân vi sinh. Nhưng, thấy thực tế không phù hợp nên mình thôi. Cho đến một ngày, khi thấy bố ì ạch chở những buồng chuối chín rụng trở về nhưng chẳng ai ăn, lại không bán được, mình liền suy nghĩ “hay làm một công ty sản xuất trái cây sấy”. Ý tưởng đó cứ hiện lên trong đầu. Một đêm dài trằn trọc suy nghĩ, tìm đọc các thông tin về sản xuất trái cây sấy, mình quyết biến ý tưởng thành hiện thực” - chị Ngọc nhớ lại.

Chị Ngọc tự tin giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ảnh: H.T

 

Ngay lập tức, chị bị gia đình phản đối kịch liệt vì nghĩ chị con gái, chân yếu tay mềm, vốn chỉ quen công việc học hành, nghiên cứu, việc xây dựng xưởng, xây dựng một công ty lại không hề đơn giản. Song thấy chị quyết tâm, bố mẹ chị rồi cũng xuôi theo.

“Ban đầu, mình tính chi phí khoảng vài trăm triệu đồng. Song lại nghĩ, đã làm phải làm cho tới, mình muốn sản phẩm làm ra đáp ứng chuẩn HACCP, ISO 22000… nên mình vạch ra kế hoạch đầu tư xưởng, máy móc bài bản ngay từ đầu. Công ty TNHH APANAX ra đời từ đó với chi phí đội lên thêm vài tỷ đồng” - chị Ngọc kể.

“Bão chồng bão”

Chị Ngọc nói rằng, vì chưa va vấp nhiều, chưa lường trước được những khó khăn, cộng thêm việc làm vội vàng đã khiến chị trả giá đắt. Nhớ lại ngày ấy, chị kể, sau khi tự nghiên cứu, mày mò, chị định hình, tự thiết kế xưởng và ký hợp đồng xây xưởng với một công ty. Tuy nhiên, công ty đã ký hợp đồng không làm theo đúng thỏa thuận dẫn đến việc phải dừng việc xây xưởng giữa chừng.

Khi đó, từ một người không biết gì về xây dựng, chị bất đắc dĩ trở thành “thầu chính”, kiêm mọi việc. “Sau một thời gian, xưởng hoàn thành với chi phí đội lên rất nhiều, trong khi tiền đi vay khiến mình thật sự lo lắng” - chị Ngọc kể lại.

Khi việc xây dựng xưởng tương đối ổn thì chị lại bị đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị đơn phương hủy hợp đồng. Trong khi đó, gần đến ngày báo cáo tiến độ thực hiện để tiếp cận được nguồn vốn khuyến công của Sở Công thương. Chị Ngọc tâm sự: Lúc đó mình như muốn phát điên. Khó khăn cứ dồn dập khiến mình thấy nghẹt thở. Phần khác, bố mẹ cứ la rầy vì thấy các khoản vay cao mà con gái lại chưa làm gì ra hồn, tạo thêm rất nhiều áp lực. Mình cũng khóc, cũng muốn gục ngã. Nhưng nghĩ lại lí do bắt đầu, mình tự dặn lòng phải bản lĩnh hơn, phải mạnh mẽ vực dậy. Mình nỗ lực tìm cách kết nối với các công ty cung cấp máy móc, thiết bị để giải quyết khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ.

Hành trình tìm công ty cung cấp thiết bị gian nan vô cùng. Song, nhận thấy sự nỗ lực tìm kiếm với thiện chí và quyết tâm cao của chị, một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế và cung cấp thiết bị sau 1 tháng, vượt quá mong đợi của chị và mọi người.

Mạnh dạn tham gia các gian hàng khởi nghiệp. Ảnh: HT

 

Với sự hướng dẫn cách làm từ phía công ty cung cấp máy móc, thiết bị, cộng thêm nguồn nguyên liệu chất lượng từ địa phương, chị mạnh dạn sấy mẻ chuối đầu tiên. “Ôi, ngày đầu có sản phẩm chuối sấy, mình không dám tin là sản phẩm lại ngon đến thế! Lúc đó, mình bắt đầu có thêm niềm tin để tiếp tục”- chị Ngọc phấn khởi kể.

Cuối năm 2020, chị Ngọc cho ra đời sản phẩm chuối sấy Joy, và sau đó là mít sấy Ohjoy và các sản phẩm khác. Những đứa con tinh thần làm bùng lên ngọn lửa hy vọng khi được nhiều khách hàng từ Bắc đến Nam ưa chuộng. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đang hoạt động trơn tru, năm 2021, dịch Covid-19 bùng lên khiến mọi việc ngưng trệ. Khi đó, hệ thống máy móc ở xưởng bị trục trặc trong khi chuyên gia kỹ thuật của đối tác không thể lên để hỗ trợ. Vừa mới đi vào hoạt động, nhà xưởng lại phải tạm dừng, hàng hoá bị ứ đọng không thể bán được.

Mỗi ngày đối diện với việc công nhân phải nghỉ làm, hàng hóa tồn động, trong khi lãi vay ngồn ngộn khiến chị như bất lực. Một lần nữa, với sức trẻ, với lối suy nghĩ tích cực và luôn tìm hướng đi, xưởng đóng, chị dành thời gian tập trung xây dựng trang trại nguyên liệu trồng các loại cây ăn quả: chuối, mít, sầu riêng, mắc ca, với khoảng 20ha.

Ánh sáng cuối đường hầm

Dịch bệnh được kiểm soát, máy móc được khắc phục, các đơn hàng lại đến khắp mọi miền. Với chất lượng đảm bảo, sản phẩm chuối sấy Joy và mít sấy Ohjoy được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh vào tháng 8/2024. “Đến bây giờ, hàng năm, doanh thu của mình đạt từ vài trăm triệu - 1 tỷ đồng. Vừa qua, có một số đơn vị đề cập việc xuất khẩu, tuy nhiên, sản lượng của công ty chưa đủ nên mình chưa thể thực hiện được. Tuy vậy, điều mình vui và hạnh phúc nhất chính là tạo công việc thường xuyên cho 5 - 8 công nhân và giải quyết được đầu ra: mít, chuối cho bà con nông dân trên địa bàn” - chị Ngọc chia sẻ.

Trên con đường khởi nghiệp, vẫn còn nhiều lắm những chông gai không tên. Nhưng giờ đây, với bản lĩnh được rèn giũa, với kinh nghiệm, với các bài học xử trí được lĩnh hội, chị Ngọc đã tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp.

Có sản phẩm, có doanh thu, có vùng nguyên liệu, hiện nay chị Ngọc liên kết với 1 tổ hợp tác trên địa bàn và khoảng 5 hộ dân để đảm bảo nguyên liệu. Đồng thời, chị kết hợp với em gái ở Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ những định hướng, kế hoạch được vạch ra, chị Ngọc cho biết, không dừng lại ở các sản phẩm trên, chị sẽ tìm hiểu thật kỹ và làm thêm nhiều sản phẩm chất lượng, để phần nào giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm của người dân trên địa bàn, đồng thời mở rộng thị trường, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Kon Tum đến các vùng miền khác.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”, Công ty của chị vinh dự được UBND tỉnh công nhận là Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng cao vào tháng 7/2024. Đó là động lực lớn lao để chị Ngọc tiếp tục hành trình vươt khó. Cùng với đó, chị cũng được vinh dự giới thiệu đi dự Đại Hội Hội LHTN Việt Nam toàn quốc nhiệm kỳ 2024 - 2029.

“Là đảng viên, là thanh niên, cần có mục tiêu và quyết tâm. Từ câu chuyện của mình, tôi muốn truyền niềm tin, ý chí cho các bạn trẻ, nhưng cũng mong các bạn đừng như tôi, hãy suy nghĩ thật chín chắn, tìm tòi thật kỹ trước khi bắt đầu. Và nếu có khó khăn, hãy quyết tâm làm cho đến cùng vì hành trình khởi nghiệp không đơn giản như vốn nghĩ”- chị Ngọc chia sẻ.           

Hoài Tiến

Chuyên mục khác