26/08/2023 06:18
Ngay lập tức, Quy định 117 nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của dư luận, bởi vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thắm đượm tình đồng chí, góp phần hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Hầu hết ý kiến đều đánh giá, Quy định 117 thể hiện rõ nét đẹp nhân văn của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch, công khai hơn thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên.
Xin lỗi là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, đồng thời là sự đồng cảm, sẻ chia với người bị làm tổn thương, thiệt hại. Lời xin lỗi được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người bị oan.
Đến chuyện trong Đảng cũng có những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong xử lý thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên oan cũng cần phải xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Bởi vậy, xin lỗi thể hiện tính nhân văn cao trong hoạt động của Đảng, có ý nghĩa to lớn tạo sự đồng cảm và sẻ chia với người bị oan.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những lúc và những thời điểm Đảng ta cũng có khuyết điểm là không thể tránh khỏi. Câu chuyện trong cải cách ruộng đất ở nước ta là một ví dụ. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và chúng ta tiến hành sửa sai.
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
“Xin lỗi” tức nhận thấy cái sai của mình. Xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan càng thể hiện tính nghiêm minh trong Đảng nhưng cũng rất nhân văn và thắm đượm tình đồng chí.
Tính nhân văn và tình đồng chí ở đây thể hiện ở chỗ là khi phát hiện oan sai trong xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên thì phải kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay, không vì giữ thể diện của tổ chức Đảng mà gây ức chế, bức xúc đối với đồng chí của mình. Đó cũng cách để góp phần nâng cao tính Đảng trong cán bộ, đảng viên, đồng thời là góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Lâu nay, chúng ta thường nghe đến chuyện một số cơ quan chức năng như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát công khai xin lỗi người bị oan sai, thậm chí là bồi thường thiệt hại. Còn trong Đảng, nhiều năm qua chưa có trường hợp tổ chức đảng và đảng viên nào bị kỷ luật oan để tổ chức đảng công khai xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Đó là bởi việc thi hành kỷ luật đảng đối với Đảng ta rất là thận trọng, nghiêm minh, làm theo nguyên tắc và quy trình rất chặt chẽ, tránh được oan sai.
Dù vậy, quan điểm tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì được công khai xin lỗi và phục hồi quyền lợi đã được Đảng ta đề cập nhiều lần trước đó. Gần đây nhất là tại Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có quy định: “Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi”.
Vì vậy, việc ban hành Quy định 117-QĐ/TW của Bộ Chính trị là cụ thể hóa Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đây cũng là quy định đầu tiên của Đảng về xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Quy định số 117-QĐ/TW gồm 4 chương, 15 điều, quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan.
Việc thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan.
Về trách nhiệm của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan, phải xây dựng kế hoạch, tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Khi nhận được kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan phải tổ chức hội nghị xin lỗi và phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Theo đó, trong thời hạn 90 ngày, tính từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành kết luận hoặc quyết định xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã kỷ luật oan, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
Về hình thức xin lỗi đó là tổ chức hội nghị công khai xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; công bố công khai việc xin lỗi. Tổ chức đã quyết định kỷ luật oan công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.
Về phục hồi quyền lợi, tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo xem xét lại việc đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét việc xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có).
Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc thành lập lại, chỉ định nhân sự cấp ủy lâm thời, chỉ đạo việc tổ chức đại hội cấp ủy theo quy định (nếu có đủ điều kiện).
Tổ chức đảng đã kết thúc hoạt động, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét, đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét lại xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có) và thông báo cho tổ chức đảng kế thừa, tiếp nhận tổ chức đảng đó.
Đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì được phục hồi lại các quyền lợi đã bị ảnh hưởng theo quy định (nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng…). Đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm (nếu có)... thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị để xem xét phục hồi chức vụ hoặc bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương.
Đảng viên bị kỷ luật khai trừ hoặc đã ra khỏi Đảng thì tổ chức đảng có thẩm quyền phục hồi đảng tịch, phục hồi quyền đảng viên hoặc công nhận là đảng viên (nếu cá nhân có đơn). Tuổi đảng được tính liên tục trong cả thời gian bị kỷ luật oan (trường hợp bị kỷ luật khai trừ). Cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế để bố trí vị trí công tác phù hợp, nếu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí công tác thì được nghỉ công tác và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phục hồi quyền lợi hợp pháp cho đảng viên trong việc cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung quy hoạch, giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và phụ cấp lương (nếu có); phong, xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng theo quy định.
Tổ chức đảng có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo việc cải chính các thông tin kỷ luật trong hồ sơ, lý lịch của đảng viên...
Xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan như đã nói ở trên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa thể hiện được tính nghiêm minh trong đảng vừa thắm đượm tình đồng chí.
Tuy nhiên, để đạt được đúng mục tiêu, mong muốn mà Đảng đề ra, còn phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của tổ chức đảng đã thi hành kỷ luật oan đối với tổ chức đảng, đảng viên. Đó là cách hành xử, là tinh thần, thái độ “xin lỗi” đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải xuất phát từ sự chân thành, không được hiểu là trách nhiệm phải thực hiện. Có như thế mới có thể xoa dịu những tổn thất về tinh thần, uy tín, danh dự của một tập thể, cá nhân khi bị xử lý kỷ luật oan.
Sông Côn