28/07/2023 06:24
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Theo Người, định hướng xây dựng con người là phải toàn diện, bao gồm “đức, trí, thể, mĩ”, chú ý đến tất cả các mặt của đời sống con người, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần.
Tư tưởng xem con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, của sự phát triển xã hội là tư tưởng nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Người, con người chính là chủ thể xây dựng chế độ xã hội mới, nền văn hóa mới. Xây dựng con người phải được ưu tiên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng đất nước, chứ không phải chờ tới khi nào kinh tế và văn hóa phát triển cao rồi mới xây dựng.
|
Tiêu chuẩn của “con người mới” là có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tức là có ý thức làm chủ; có tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa; có tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; có tinh thần dám nghĩa, dám làm, vươn lên vì sự nghiệp của đất nước”.
Đó là con người có đạo đức và lối sống lành mạnh: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng; có lối sống lành mạnh, trong sạch.
Đó là con người có tác phong khoa học: lao động có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm; lao động có tổ chức, kỷ luật, kỹ thuật, năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đó là con người có năng lực làm chủ bản thân, gia đình và công việc mà mình đảm nhiệm, tham gia tích cực vào làm chủ nhà nước và xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, xây dựng con người luôn được Đảng ta vận dụng hết sức sáng tạo. Trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định: Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất đối với mọi sự thành bại của cách mạng là con người Việt Nam, nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Điều này cũng lý giải vì sao trải qua 37 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, đường lối đúng đắn đầu tư chính đáng vào việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới; phát triển toàn diện con người luôn được xác định là trung tâm của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Và trong giai đoạn hiện nay, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc… Tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
|
Trung ương và các địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để các tổ chức trong xã hội tập trung trí tuệ, công sức xây dựng con người. Tầm vóc và thể lực con người Việt Nam đã được nâng lên. Các chuẩn mực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người thời đại Hồ Chí Minh đã được đưa vào một số văn bản pháp luật và quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội, trách nhiệm công dân được đề cao. Các giá trị đạo đức được giữ gìn, phát huy. Các phong trào khởi nghiệp, xây dựng con người, phong trào thiện nguyện gắn với phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được coi trọng và đảm bảo bằng luật pháp, trong đó có các quyền về văn hóa, quyền công dân.
Tuy nhiên, xây dựng con người Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức: Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư gây bức xã hội kéo dài chậm được giải quyết, ngăn chặn, đẩy lùi; vị trí, vai trò xây dựng con người chưa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; việc nêu gương của một số cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa tạo được chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.
Xây dựng con người Việt Nam là quá trình lâu dài, tùy vào điều kiện và yêu cầu cụ thể trong những giai đoạn khác nhau mà cần phải tập trung vào những mục tiêu cụ thể.
Về nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Đảng ta yêu cầu: Cần phải chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân-thiện-mĩ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cần phải nâng tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam.
Sông Côn
(Còn nữa)