Xây dựng Nhà nước pháp quyền

08/11/2024 06:00

Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là dấu mốc, bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Nghị quyết xác định mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.

Nghị quyết cũng xác định xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII. Ảnh: baochinhphu.vn

 

Thực hiện Nghị quyết 27, thời gian qua, xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, năng lực phản ứng chính sách được nâng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác tổ chức thực hiện pháp luật ngày càng gắn kết hơn với xây dựng và hoàn thiện pháp luật; CCHC, chuyển đổi số được đẩy mạnh và có những kết quả nhất định.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai bài bản, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, qua đó giúp tăng cường một bước kỷ cương, trách nhiệm, tính nghiêm minh trong thực thi công vụ.

Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.

Cụ thể, về phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

Các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc; cải cách bộ máy nhà nước, đặc biệt là cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, biến chất.

Ở tỉnh ta, những năm qua, việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đặc biệt chú trọng.

Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rà soát pháp luật các lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; khắc phục tình trạng chậm, nợ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, trục lợi chính sách".

Khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nhằm bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII. Ảnh: baochinhphu.vn

 

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Nhận thức về tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền có lúc, có nơi chưa đồng đều. Một số văn bản quy phạm pháp luật tính khả thi không cao; còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển nhưng chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp. Một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "đổ lỗi" cho hệ thống pháp luật để không thực hiện chức trách. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Bài viết khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực.

Đồng thời chỉ rõ việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu; là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển Nhà nước trên thế giới.

Vấn đề đặt ra trong thời đại mới là phải liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng; phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Muốn vậy, quy trình xây dựng pháp luật phải chặt chẽ, khoa học, dân chủ, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển. Có giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, cản trở đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý.

Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, hoàn thiện, cụ thể hóa phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Sông Côn

Chuyên mục khác