07/10/2021 10:25
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là vị lãnh tụ đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng một chính đảng “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, cầm quyền, làm tròn trọng trách trước nhân dân và dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới lãnh đạo được cách mạng, mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang và “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Thực hiện Di chúc của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt hơn 91 năm qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy vậy, trong những nhiệm kỳ trước đây, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức chưa được chính thức ghi vào văn kiện. Việc khẳng định xây dựng Đảng gồm 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức hoặc đồng nhất xây dựng Đảng về đạo đức với tư tưởng trước đây, về mặt nhận thức đã phần nào đó coi nhẹ nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải đối mặt với những mặt trái do nó mang lại. Vì vậy, xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, trong đó có đạo đức là một yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp đổi mới.
|
Tại Đại hội XII, lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng ta đã khẳng định: “Tập trung thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Có thể nói, suốt nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Quan điểm đó tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII của Đảng kế thừa, bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ. Đại hội lần này đã đánh giá: “Công tác xây dựng Đảng được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích cực”. Đồng thời xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình… Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và xã hội”.
Tỉnh Kon Tum so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Có được những thành quả đó là do sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền các cấp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đã đánh giá toàn diện về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua, trong đó có nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, đó là: “Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định nêu gương đạt hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Theo đó, trong phần nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ địa phương, đơn vị… Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao”. Đồng thời rà soát, xử lý, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ không đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.
Những nhận thức mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cụ thể là coi trọng nội dung xây dựng Đảng bộ về đạo đức, chú trọng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là điểm mới của nhiệm kỳ đại hội lần này.
Với tinh thần đó, rất hy vọng trong những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Lê Minh Phượng