Về xây dựng pháp luật ở địa phương

24/02/2023 13:04

Trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức, người có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã quán triệt và nghiêm túc thực hiện các quy định về xây dựng pháp luật, qua đó đã thiết lập hệ thống pháp luật điều chỉnh và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi từ thực tiễn phát triển địa phương.

Cùng với việc thể chế hóa thành VBQPPL các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng như tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, đẩy mạnh Chính quyền số, hàng năm HĐND tỉnh đều có chương trình ban hành nghị quyết, UBND tỉnh có kế hoạch ban hành quyết định, chỉ thị.

Chương trình, kế hoạch ban hành VBQPPL đều quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo, tiến độ thời gian thực hiện. Quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo, tiếp thu ý kiến, thẩm định tính pháp lý bảo đảm VBQPPL ban hành hợp hiến, hợp pháp, phù hợp thực tiễn và khả thi.

Đối với những vấn đề mang tính cấp bách hoặc đột xuất cần phải ban hành VBQPPL nhưng chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản hàng năm thì theo đề xuất của các sở, ban, ngành hoặc chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh, các ngành có liên quan đã tổ chức soạn thảo, trình ban hành văn bản đảm bảo trình tự, thủ tục, nội dung theo luật định.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát hoạt động của hợp tác xã tại UBND tỉnh. Ảnh: Kim Dung

 

Công tác tự kiểm tra VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh được thực hiện thường xuyên. Thông qua tự kiểm tra, UBND tỉnh đã bãi bỏ văn bản; sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản. Hàng năm UBND tỉnh giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra đến từng địa phương tổ chức kiểm tra VBQPPL do cấp huyện ban hành.

VBQPPL ở cấp huyện cũng được quan tâm, chú trọng, cơ bản đảm bảo thủ tục, trình tự, nội dung theo quy định. Phần lớn các dự thảo VBQPPL của UBND cấp huyện đều được cơ quan soạn thảo gửi Phòng Tư pháp thẩm định tính pháp lý.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được đào tạo chính quy, bài bản, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Ví dụ, số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định VBQPPL của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị) là gần 100 người, trong đó 90% được đào tạo chính quy, có trình độ đại học và sau đại học.

Bên cạnh những kết quả trên, thực tiễn xây dựng pháp luật thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó đáng chú ý là có những VBQPPL ban hành chậm so với thực tế, gây khó khăn, ách tắc cho triển khai. Chất lượng xây dựng một số VBQPPL được ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, không khả thi, không hợp lý.

Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật tại các sở, ngành và địa phương còn thiếu ổn định. Ở cấp huyện còn có sự luân chuyển chưa hợp lý đối với cán bộ Phòng Tư pháp.

Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để. Việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp.

Để khắc phục các hạn chế nói trên, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, trong thời gian tới, các tổ chức, người có thẩm quyền xây dựng và ban hành VBQPPL cần xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách để đề xuất việc hoàn thiện pháp luật. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để bảo đảm tính khả thi.

Các cơ quan tham mưu xây dựng VBQPPL cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

 Nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Xây dựng, bố trí, điều động, luân chuyển các cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này.

Chủ động rà soát pháp luật các lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân; khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ tham mưu ban hành VBQPPL. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, trục lợi chính sách".

Chú trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường hơn nữa năng lực phản ánh chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát VBQLPL để kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật. Khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nhằm bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng các VBQPPL và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.     

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác