Về làng Plei Sar

12/10/2023 06:05

Dưới mái nhà rông, già làng A Mlíu say xưa kể rằng: Ngày trước, người dân Gia Rai ở Plei Sar còn đói nghèo lắm, làng chỉ có vài chục nóc nhà, đời sống nhờ vào củ mì, bắp ngô, rẫy lúa và săn bắt, hái lượm trong tự nhiên; người lớn hầu hết không biết chữ, trẻ em phải bỏ học theo cha mẹ kiếm cái ăn, cái mặc. Cái vòng lẩn quẩn nghèo khó tưởng chừng cứ đeo bám mãi người dân nơi đây. Thế nhưng, ngày nay Plei Sar đang từng bước “thay da, đổi thịt”, cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần.

Cây “vàng trắng” xuất hiện trên vùng đất hứa.

Ngược dòng thời gian, cách đây vừa tròn 37 năm, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển cao su ở Tây Nguyên. Đến tháng 3/1986, những cây cao su đầu tiên được trồng trên một diện tích rộng lớn tại xã Ia Chim, trong đó có vùng đất Plei Sar. Với lợi ích to lớn từ cây cao su mang lại, bà con nơi đây thường ví von là cây “vàng trắng”, cây “xóa đói, giảm nghèo”.

 Từ đó đến nay, nhiều thế hệ người dân trong làng, từ đời cha đến con đã gắn bó với nghề trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su. Một cách mới hiệu quả thay thế cho làm ăn cũ đã lạc hậu, giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cao cửa rộng, mua sắm đầy đủ tiện nghi; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên, nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Những tiếng kẻng lạc lối và 730 ngày đêm “Dân vận khéo”

Đó là vào đầu tháng 6/2017, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tiến hành cắt bỏ một số diện tích cây cao su hết chu kỳ khai thác để thực hiện tái canh, trong đó có 209ha đất tại Plei Sar thuộc Nông trường Cao su Ia Chim quản lý.

Bên mái nhà rông, già làng A Mlíu kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: VKC

 

Một số đối tượng quá khích đã xông vào nhà rông của làng chiếm giữ chiếc kẻng; nhiều lần đánh kẻng, tập hợp, kích động người dân Plei Sar ra giăng dây, cắm cọc, chia lô, dựng lều yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum "trả lại" đất - đây là đòi hỏi vô lý vì diện tích đất hiện đang do Nhà nước quản lý. Nghiêm trọng hơn, khi Nông trường Cao su Ia Chim triển khai tái canh, trồng mới, một số phần tử quá khích đã manh động đập phá tài sản, hành hung gây trọng thương một số cán bộ, công nhân.

Nhớ lại thời điểm đó, ông A Khoan - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Plei Sar tâm sự: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi làng đều có chiếc kẻng treo ở đầu làng. Khi tiếng kẻng vang lên như để hiệu triệu dân làng đoàn kết sẵn sàng đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ làng, gìn giữ quê hương. Khi đất nước hòa bình, tiếng kẻng rộn rã ngân vang, thúc giục người dân hăng say thi đua lao động sản xuất, hoạt động cộng đồng. Vậy mà tiếng kẻng rung lên ở Plei Sar ngày ấy, là tiếng kẻng lạc lõng và không nên vang lên để những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo, vi phạm pháp luật đến mức nhiều đối tượng quá khích phải vướng vòng lao lý.  Ông A Khoan cho biết thêm: Giai đoạn đầu khi xảy ra sự việc, người dân nghi ngại, xa lánh, không tiếp xúc với người khác; cán bộ vào cổng trước, dân bước ra ngõ sau.

Sau khi xảy ra sự việc, một “chiến dịch đặc biệt” - như cách gọi của ông Nguyễn Đăng Huyền - Phó trưởng Phòng Đoàn thể và các hội (Ban Dân vận Tỉnh ủy), người được phân công trực tiếp tham gia tuyên truyền vận động nhân dân, với 730 ngày đêm thực hiện “Dân vận khéo” tại làng Plei Sar. Ông Huyền cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc lấy phương châm “gần dân, hiểu dân, vì dân”, “cùng ăn, cùng ở, cùng giúp đỡ nhân dân”, phải lắng nghe thấu đáo, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, giải quyết nhu cầu, các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Ia Chim”. Chính quyền các cấp tổ chức gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại và giải quyết các đề xuất kiến nghị của nhân dân một cách thấu tình, đạt lý. Cùng với đó, già làng, trưởng thôn,  chức sắc tôn giáo tổ chức vận động nhân dân, tín đồ Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội tổ chức hướng dẫn bà con chăm lo tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tuổi trẻ tỉnh nhà có những hoạt động thiết thực, mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, xây dựng công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê”. Đội công tác của các đơn vị lực lượng vũ trang giúp đỡ 165 hộ gia đình với hàng nghìn ngày công lao động. Các cấp, các ngành cũng triển khai, sửa chữa các công trình phục vụ dân sinh, xây dựng xây dựng nhà đại đoàn kết tặng 4 hộ gia đình khó khăn.

Sự kiên trì trong thực hiện công tác “Dân vận khéo” đã giúp người dân Plei Sar nhận thức rõ việc tham gia khiếu kiện, tranh giành đất trái phép là vi phạm pháp luật. Những người vi phạm tự viết cam kết, kiểm điểm và xin lỗi trước toàn thể dân làng, một số đối tượng manh động, quá khích bị pháp luật trừng trị nghiêm minh. Dân làng đồng thuận, ủng hộ việc tái canh của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum; phấn khởi với việc phân lô, giao đất của chính quyền địa phương cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Plei Sar dần được ổn định.

Plei Sar đã đổi thay với niềm tin và nhiều hy vọng

Plei Sar hôm nay đã thực sự khoác trên mình chiếc áo mới. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, người dân đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, mái ngói đỏ tươi, không còn nhà ở tạm bợ như trước nữa. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giãn dân, tách hộ lập vườn, đến nay 100% hộ dân Plei Sar được cấp đủ đất ở, đất sản xuất để canh tác, ổn định cuộc sống.

Người dân Plei Sar đoàn kết, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau như truyền thống vốn có của người Gia Rai, nhất là những người đã một lần lầm lỡ kích động, xúi giục người dân tranh giành đất đai trái phép, sau khi chấp hành án phạt tù trở về địa phương, đã nhận thức được những sai lầm trước đó, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tái hòa nhập với cộng đồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, 409 hộ dân trong làng đã cam kết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng hơn 68ha cao su tiểu điền, 38ha cà phê, cùng nhiều loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, năm 2020, Plei Sar đã thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, với 87 thành viên tham gia. Tổ hợp tác tập trung trồng chanh dây xuất khẩu theo công nghệ VietGAP trên diện tích 8,7ha đất. Hoạt động của Tổ hợp tác đã đem lại thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con cũng chú trọng chăn nuôi gia súc tăng thêm thu nhập. Hiện nay, Plei Sar có 122 hộ chăn nuôi gia súc, trong đó có nhiều hộ có đàn trâu, bò từ 5 - 7 con, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định.

Hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất. Ảnh: VKC

 

Bà Y Lẽo (người từng nghe kẻ xấu xúi giục, kích động dẫn đến có hành động sai trái) cho biết: Sau khi thi hành án trở về với gia đình, tôi được dân làng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm, được chính quyền động viên, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên vươn chanh dây đang vươn chồi đua lộc, Y Lẽo xúc động tâm sự: “Giờ đây, tôi đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc đích thực của mình, cuộc sống gia đình tốt hơn trước rất nhiều. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và mang ơn bà con Plei Sar nhiều lắm”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ksor Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Ia Chim cho biết, Plei Sar hôm nay thật sự đã đổi thay từng ngày. Hệ thống chính trị ở thôn (làng) đã vững mạnh hơn trước, 11 đảng viên trong thôn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của làng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể được củng cố, kiện toàn đi vào hoạt động hiệu quả. Nhân dân tin tưởng, nghe và làm theo theo Đảng, chính quyền chuyên tâm lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Plei Sar có 218/409 hộ dân có mức sống khá giả trở lên, không còn hộ đói, không có trẻ em bỏ học giữa chừng, các hủ tục, tệ nạn xã hội được xóa bỏ.

Chia tay với Plei Sar, tôi nhớ mãi nụ cười nhân hậu của già làng A Mlíu; giọng nói đầy lạc quan, dám nghĩ, dám làm, đầy bản lĩnh của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn A Khoan; nụ cười nhẹ nhàng, tươi tắn của chị Y Lẽo, người đã khua những tiếng kẻng lạc lối ngày nào với niềm tin mới, hy vọng mới về một Plei Sar đã thực sự đổi thay và phát triển.

Võ Kim Cương

Chuyên mục khác