06/12/2022 06:18
Mục tiêu của văn hóa chính trị không gì khác là điều hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Văn hóa chính trị là phải xây dựng tâm lý độc lập tự lực, tự cường cho dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải biết và dám hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Đảng và Nhà nước phải xây dựng một xã hội mà mọi sự nghiệp gắn với phúc lợi của nhân dân trong xã hội, lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Theo tinh thần của Người, văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền.
Ở tỉnh ta, trong những năm qua, việc xây dựng văn hóa chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng con người Kon Tum phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần truyền thống quê hương cách mạng.
Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh để sớm đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
|
Với quan điểm, văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên, Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Tăng cường công tác quản lý đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Kịp thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống.
Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả việc xây dựng văn hóa trong chính trị còn chưa tương xứng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Văn hóa chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ giữ vị trí chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị còn một số hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đặc biệt, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó đang xảy ra. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã xem xét xử lý kỷ luật 21 tổ chức đảng (tăng 16 tổ chức đảng so với nhiệm kỳ 2010-2015); cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét thi hành kỷ luật 887 đảng viên (tăng 381 đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015).
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét kỷ luật một số tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương.
Thực tế nêu trên cho thấy, việc xây dựng văn hóa chính trị ở tỉnh Kon Tum còn nhiều thử thách, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các quy định, giải pháp, đồng thời thực hiện việc kiểm tra cũng như xử lý, loại bỏ các yếu tố, các phần tử không phù hợp, suy thoái ra khỏi hệ thống.
Trong đó, quan tâm xây dựng văn hóa chính trị; động cơ phấn đấu rõ ràng, có ý thức chính trị trong các hoạt động, có lối sống chuẩn mực, có tâm thế rèn luyện liên tục về tư cách, đạo đức ở cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chấn chỉnh, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong ứng xử, trong sinh hoạt, lối sống, thái độ của cán bộ, đảng viên, nhất là đặt trong mối liên hệ với nhân dân, nhằm tránh tạo ra sự cách biệt lớn giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân.
Chú trọng vấn đề văn hóa chính trị với các biểu hiện cụ thể ở từng cấp ủy đảng, từng đảng viên, như về lý tưởng cách mạng, nhận thức về một số vấn đề trong Đảng, về tình hình thời sự trong nước và thế giới, về thông tin, quan điểm sai trái liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các biểu hiện tâm trạng, dư luận.
Xây dựng văn hóa chính trị đang trở thành một yêu cầu bức thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ và quyết định đến thắng lợi của cách mạng, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Quá trình xây dựng văn hóa chính trị cần xác định yêu cầu trước hết và trên hết là “lấy dân làm gốc”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sông Côn