Văn hóa chính trị

10/05/2023 13:08

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Theo tinh thần của Người, văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền.

Có nhiều cách hiểu về văn hóa chính trị, nhưng tựu chung văn hóa chính trị là bộ phận của văn hóa nói chung, đề cập đến sự phát triển của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết về chính trị, trình độ tổ chức bộ máy quyền lực.

Văn hóa chính trị gắn liền với mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, thành phần, dân tộc trong một quốc gia và giữa các nhà nước, các quốc gia với nhau theo một chuẩn giá trị nhất định.

Chỉ xuất hiện trong xã hội có giai cấp, mục tiêu của văn hóa chính trị  không gì khác là điều hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội. 

Ở Kon Tum, trong những năm qua, việc xây dựng văn hóa chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời gắn với xây dựng con người Kon Tum phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần truyền thống quê hương cách mạng. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh để sớm đưa Kon Tum thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Ảnh: Thanh Hà

 

Trong suốt nhiều năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng.

Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Trong đó những vấn đề cơ bản được thực hiện theo Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ"  (nay thực hiện theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021); Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “những điều đảng viên không được làm" (nay thực hiện theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021); Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp"; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với văn hóa chính trị. Nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.

Đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu…

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm đảm bảo phát huy dân chủ, nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn. Sau kiểm điểm, từng tập thể và cá nhân đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch phát huy ưu điểm và khắc phục sửa chữa khuyết điểm, nhất là chú trọng xác định những việc cần làm ngay và những việc thực hiện theo lộ trình.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cũng như kỷ luật của Đảng. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của các tổ chức đảng, đảng viên.

Chỉ tính trong năm 2022, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra gần 61.600 tổ chức đảng và gần 335.000 đảng viên; giám sát hơn 74.000 tổ chức đảng và gần 194.000 đảng viên; thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng, trên 21.000 đảng viên.

Việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Chuyên đề chung của Trung ương, Chuyên đề riêng hàng năm của tỉnh đạt hiệu quả thiết thực; tạo được sự chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, kết quả việc xây dựng văn hóa trong chính trị còn chưa tương xứng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Văn hóa chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ giữ vị trí chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị còn một số hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 4 tổ chức đảng; kỷ luật 436 đảng viên (khiển trách 331, cảnh cáo 71, cách chức 4, khai trừ 30 trường hợp). 

Thực tế nêu trên cho thấy, việc xây dựng văn hóa chính trị ở tỉnh ta còn nhiều thử thách, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các quy định, giải pháp, đồng thời thực hiện việc kiểm tra cũng như xử lý, loại bỏ các yếu tố, các phần tử không phù hợp, suy thoái ra khỏi hệ thống.

Thứ nhất, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tri thức chính trị, ý thức chính trị và niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ đó có tầm nhìn xa, hiểu biết sâu sắc và sự nhạy bén mang tầm chiến lược để không bị động trước mọi tình huống.

Thứ hai, quan tâm xây dựng văn hóa chính trị ở các chủ thể khác chứ không chỉ tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Ví dụ, với đoàn viên, hội viên, những người là nòng cốt trong các tổ chức quần chúng, trong đó, có nhiều người sẽ trở thành đảng viên, cần chú ý xây dựng động cơ phấn đấu rõ ràng, có ý thức chính trị trong các hoạt động, có lối sống chuẩn mực, có tâm thế rèn luyện liên tục về tư cách, đạo đức.

Xem trọng chất lượng “đầu vào” đảng viên, nguồn kết nạp đảng phải thực sự được chọn lọc và thử thách phù hợp, qua đó, xây dựng dần văn hóa chính trị cho lực lượng này.

Thứ ba, thực hiện thường xuyên công tác giáo dục đạo đức cách mạng gắn với việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng trong cơ quan, đơn vị và với nhân dân nơi cư trú.

Thứ tư, chấn chỉnh, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong ứng xử, trong sinh hoạt, lối sống, thái độ của cán bộ, đảng viên, nhất là đặt trong mối liên hệ với nhân dân, về mức sống, cách sống, nhằm tránh tạo ra sự cách biệt lớn giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân.

Thứ năm, chú trọng vấn đề văn hóa chính trị với các biểu hiện cụ thể ở từng cấp ủy đảng, từng đảng viên, như về lý tưởng cách mạng, nhận thức về một số vấn đề trong Đảng, về tình hình thời sự trong nước và thế giới, về thông tin, quan điểm sai trái liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các biểu hiện tâm trạng, dư luận.

Thứ sáu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm trạng, các biểu hiện về đạo đức, lối sống, các ứng xử với nhân dân trong thực tiễn công tác và ở nơi cư trú của đảng viên. Quá trình nắm bắt đó, kịp thời xác định những biểu hiện cần chấn chỉnh, những trạng thái cần lan tỏa và có các hình thức ứng xử phù hợp để phát huy điểm tích cực, hạn chế điểm tiêu cực ở chính đảng viên đó trong tập thể chi bộ cũng như toàn đơn vị.

Đồng thời, người đứng đầu, cấp ủy viên phải luôn gương mẫu trong các hoạt động, nhất là tuân thủ các nguyên tắc, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạo đức lối sống.

Sông Côn

Chuyên mục khác