Vấn đề xây dựng Đảng trong Di chúc của Bác

29/09/2014 09:02

Sau thắng lợi của Tổng tuyển cử năm 1946, trả lời phỏng vấn trước đông đảo các nhà báo trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Và, Bác đã tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước, cho dân tộc mà không đòi hỏi gì cho riêng mình, dù là điều nhỏ nhất.

Tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Bác là tấm gương ngời sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới học tập, noi theo. Đó là điều cao cả mà ít ai có thể làm được và chính vì những đóng góp của Bác đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta hôm nay, Di chúc của Bác có giá trị tinh thần và tư tưởng vô cùng đặc biệt về những vấn đề to lớn của cách mạng Việt Nam. Tuy chỉ gói gọn trong hơn ngàn chữ nhưng mỗi câu, mỗi chữ trong Di chúc Bác để lại đã được suy ngẫm và đúc kết kinh nghiệm một cách sâu sắc, toàn diện với một trí tuệ mẫn tiệp, một tầm nhìn vượt thời đại của vị lãnh tụ thiên tài về những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong Di chúc của Bác, vấn đề xây dựng Đảng được Bác đặc biệt quan tâm. Trong hơn ngàn chữ đề cập nhiều nội dung lớn của cách mạng Việt Nam, Bác đã dành 200 chữ nói về Đảng và đặt lên trên hết mọi vấn đề của cách mạng - “Trước hết nói về Đảng”. Không phải là ngẫu nhiên mà mọi điều đều được Bác cân nhắc, dụng công trong từng câu chữ. Bởi, Đảng ta là đội tiên phong, là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mọi sự thành bại của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” đều tùy thuộc vào sức mạnh trí tuệ và sự đoàn kết, thống nhất của Đảng.

Khi nói về Đảng, trong Di chúc Bác đã khái quát được những bài học kinh nghiệm để Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc giành những thắng lợi vẻ vang; về bài học giữ gìn truyền thống đoàn kết trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, đấu tranh tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; về Đảng cầm quyền và đạo đức của cán bộ, đảng viên một đảng cầm quyền. Những điều đó là cơ sở vững chắc làm nên tầm nhìn và sức mạnh của Đảng nhằm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước ta đi đến những thắng lợi to lớn. Và, thông qua những vấn đề trên, Bác đã cảnh báo nguy cơ của một đảng cầm quyền khi xa rời những nguyên tắc lãnh đạo mà Người đã nêu ra.

Đúc kết bài học thành công của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chỉ với vài dòng ngắn gọn như vậy nhưng Bác đã nêu được những nguyên nhân quyết định làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là: Đảng đã lấy mục tiêu lý tưởng và quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, của Tổ quốc làm mục tiêu lý tưởng của Đảng; xây dựng và gìn giữ mối đoàn kết trong Đảng; từ đó, tập hợp, đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng nên đã tạo ra sức mạnh vô địch. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta thấy bài học kinh nghiệm về những vấn đề cốt tử làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta từ những trang vàng chói lọi trong 2 cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng như những gì Bác đã nêu ra.

Tiếp đó, Bác đã nói về truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta là đoàn kết và yêu cầu “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bởi, theo Bác sự đoàn kết sẽ là nền tảng để làm nên sức mạnh vô địch. Đoàn kết đã trở thành một tư tưởng lớn trong toàn bộ trước tác Bác để lại cho chúng ta. Người cũng đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong Di chúc Bác đã căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”. Đúng như lời Bác dạy, cùng với sự đoàn kết thì thực hành dân chủ rộng rãi, đấu tranh tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ là cơ sở làm cho giá trị của sự đoàn kết trở thành thật sự, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bác đã từng dạy rằng: “Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”.

Điều đặc biệt trong lời căn dặn về công tác xây dựng Đảng - nói về Đảng – Bác đã nhấn mạnh “Đảng ta là một đảng cầm quyền” và nêu lên những việc mà mỗi đảng viên, cán bộ phải làm để giữ gìn sự trong sạch của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bởi, hơn ai hết, Bác hiểu rõ nguy cơ của một đảng cầm quyền là sự thoái hóa, biến chất, là tệ quan liêu, hách dịch, xa rời nhân dân của đội ngũ cán bộ đảng viên khi nắm quyền lực trong tay. Điều này dễ làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Để tăng cường sức chiến đấu của Đảng, không cách nào khác là cán bộ đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, như lời Bác nói “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên hai chữ “cộng sản” mà ta được yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Bác kính yêu của chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng đã tròn 45 năm. Những điều Người dạy về công tác xây dựng Đảng trong Di chúc vẫn còn nguyên tính thời sự và ngời sáng những giá trị tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài. Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chính là làm theo di nguyện của Bác nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Từ Dạ Linh

Chuyên mục khác