“Tự soi, tự sửa”: Cần sự dũng cảm, trung thực

26/10/2017 06:00

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “tự soi, tự sửa”. Đây là việc “nói thì dễ, làm thì khó”, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tính tự giác, dũng cảm, trung thực…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc đưa ra hệ thống những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là để làm “tấm gương chung”, ngoài giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” mình để “tự sửa”, còn làm cơ sở để góp ý cho người khác và làm căn cứ để xử lý đối với những tập thể, cá nhân vi phạm.

Không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình, vì thế “tự soi, tự sửa” được coi là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Thực tế, việc “tự soi, tự sửa” không phải là giải pháp mới. “Tự soi” chính là “tự phê bình”, và nội dung này luôn được Đảng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Từ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình” đăng trên báo Nhân dân. Theo Người, tự phê bình là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn” và “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh ngày càng nặng…”.

“Tự soi, tự sửa” - nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được thì lại không hề đơn giản chút nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”…

Ngẫm lời Bác dạy, điểm lại những vụ việc làm nóng dư luận xã hội xảy ra trong thời gian qua liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền, từ cấp thấp đến cấp cao trong ứng xử, thực hiện luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phòng, chống tham những, đến việc xây dựng “biệt phủ”…ở nhiều bộ, ngành, địa phương, thì đều thấy, chưa ai trong số này “tự soi” để thấy những việc làm sai trái, những vi phạm của bản thân mình. Thậm chí, khi dư luận lên tiếng, báo chí phanh phui đưa ra nhiều bằng chứng sai phạm, thì bản thân những người trong cuộc vẫn lên tiếng phủ nhận hoặc cố tình biện minh như: việc tiếp nhận, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đều được thực hiện đúng “quy trình”, việc có “tài sản khủng” là do chạy xe ôm, buôn bán, tích lũy từ thời trẻ…

Không “tự soi, tự sửa”, phớt lờ dư luận, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ, thì hậu quả đau lòng là nhiều cán bộ, đảng viên trong số này đã vi phạm kỷ luật tới mức nghiêm trọng, bị thi hành kỷ luật, có người bị cách hết các chức vụ trong Đảng và chính quyền…

Cũng từ bài học đau xót trong công tác cán bộ, mới đây, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Tổng Bí thư đề nghị: Từng đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng tràm rồi thì sớm tự giác gột rửa)…

Thực tế cho thấy, từ những khuyết điểm, vi phạm nhỏ, chưa nghiêm trọng, song nếu không được nhận diện để sửa chữa, khắc phục kịp thời thì vi phạm nhỏ sẽ tích tụ dần thành cái lớn, cái chưa nghiêm trọng sẽ dần trở thành nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tự giác, trung thực, tự soi xét những khuyết điểm, vi phạm của mình. Khi thấy có biểu hiện suy thoái phải dũng cảm nhận trách nhiệm, quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục, đừng để “cái sảy nảy cái ung”.

“Tự soi, tự sửa” là cuộc cách mạng diễn ra trong chính bản thân mình, là cuộc đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi con người, là thử thách đối với bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên. Để làm được điều này, cần lắm sự tự giác,  trung thực, có dũng khí để vượt qua chính mình.

                                                                   Hoàng Thúy

Chuyên mục khác