02/08/2022 13:03
Trước yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Thực hiện chủ trương trên, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị vừa là vấn đề cấp bách, vừa mang tính chiến lược, trong 5 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp thu gọn đầu mối bên trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị; thực hiện một số mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương gắn với rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
|
Để triển khai có hiệu quả, chất lượng việc sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo lộ trình; nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và cụ thể đối với từng hệ thống, loại hình cho phù hợp, sát với thực tế tình hình của địa phương, đơn vị.
Theo đó, tỉnh ta tiến hành rà soát, sắp xếp các cơ quan trực thuộc cấp ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo khung quy định của Trung ương; giảm đầu mối bên trong; quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các cơ quan và các đơn vị trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cấp tỉnh; rà soát, sắp xếp, giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án ở địa phương, không thành lập mới tổ chức trung gian; ban hành, chỉ đạo ban hành các các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đồng thời triển khai thực hiện và thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các giải pháp thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định; đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng các phương án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiến hành bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; mở rộng và tổ chức thực hiện trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; kịp thời tuyên truyền, phổ biến những điển hình tiên tiến, những việc làm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và có các giải pháp khắc phục ở những nơi làm chưa tốt, kém hiệu quả.
Ngoài việc hợp nhất một số cơ quan thuộc khối Đảng, khối chính quyền và cơ quan dân cử và thực hiện một số mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, UBND tỉnh đã tổ chức lại 19/20 cơ quan chuyên môn, giảm 35 đơn vị thuộc và trực thuộc các sở, 31 cấp trưởng, 26 cấp phó, 29 phòng chuyên môn bên trong các chi cục và tương đương trực thuộc sở; giảm 119 đơn vị sự nghiệp công lập và 132 lãnh đạo; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 2.0; giảm 8 đầu mối trực thuộc cơ quan chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh… Đồng thời hợp nhất thí điểm Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện, Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND tại huyện Ia H’Drai; 10/10 huyện, thành phố thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị; 9 huyện thực hiện chủ trương Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
Có thể khẳng định, với việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng tinh gọn, tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, được thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch; thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dương Đức Nhuận