Tiêu chí đầu tiên là đáp ứng yêu cầu công việc

22/04/2025 06:15

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 16/4, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là đáp ứng yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhấn mạnh của Tổng Bí thư lần nữa cho thấy, yêu cầu lựa chọn những cán bộ có đạo đức, có năng lực để bộ máy hoạt động “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà các địa phương, đơn vị tiến hành sáp nhập và chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: NP

 

Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”... Khi Đảng đang khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XVI của Đảng, tiêu chí mà người đứng đầu Đảng đặt ra càng khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước. Bởi vậy, trong các tiêu chí lựa chọn, sắp xếp cán bộ, tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ “đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước.  

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh tiêu chí yêu cầu công việc trong bố trí, sắp xếp cán bộ. Hiện nay, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh nhằm từng bước tháo gỡ được những điểm nghẽn, nút thắt, loại bỏ được thói trì trệ, quan liêu của một số cán bộ, công chức, viên chức vốn tạo gánh nặng đối với bộ máy, gây lãng phí cơ hội phát triển.

Để “chọn mặt gửi vàng” những cán bộ giữ các trọng trách ở các đơn vị, địa phương khi tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tham gia vào cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 phải là những người thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, là tấm gương mẫu mực về sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, có năng lực công tác. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ dừng lại ở trình độ chuyên môn mà còn bao gồm khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Thực tế cho thấy, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được thể hiện chủ yếu, trực tiếp qua hệ thống công vụ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Nếu cán bộ hoặc yếu về năng lực hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ khó đủ sức đảm đương công việc chung, trở thành vật cản lớn, lúc đó cho dù  chủ trương, chính sách đúng và thông thoáng cũng không thể tránh được tình trạng “trên thông - dưới tắc”. Nếu cán bộ không đáp ứng được tiêu chí yêu cầu công việc sẽ dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cấp trung ương, cấp tỉnh luôn quyết tâm cao, nỗ lực lớn, còn cán bộ cơ sở lại triển khai chiếu lệ, đủng đỉnh, chậm rãi, đùn đẩy, né tránh, thiếu nghiên cứu các chủ trương, chính sách để áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Cung cách, tác phong làm việc ấy không chỉ ảnh hưởng riêng đến mỗi cơ quan, đơn vị mà còn cả hệ thống chính trị và kìm hãm sự phát triển của địa phương, đất nước. Về điều này, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” đã chỉ rõ: “Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp”.

Bởi vậy, việc lựa chọn cán bộ khi sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ tới phải đảm bảo quy trình, quy định, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, trình độ, năng lực công tác, uy tín đối với cán bộ, đảng viên, đảm bảo tỷ lệ cơ cấu độ tuổi, nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số và trong đó tiêu chí đầu tiên phải là đáp ứng yêu cầu công việc như Tổng Bí thư đã nêu.

Tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm một cách cơ học, mà nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Và yêu cầu tất yếu là cán bộ, công chức, viên chức - những con người trực tiếp thực thi các nhiệm vụ trong bộ máy phải đáp ứng được các yêu cầu công việc ngày càng cao, phức tạp. Điều này đòi hỏi phải có sự đánh giá, phân loại cán bộ khách quan, công khai, minh bạch. Những cán bộ, công chức, viên chức chưa đảm bảo yêu cầu công việc cần được đào tạo lại hoặc chuyển đổi công việc phù hợp; còn những cán bộ có năng lực công tác, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cần được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ cơ sở thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. Ảnh: NP

 

Những cán bộ, đảng viên nhận được sự tín nhiệm lựa chọn giữ các trọng trách ở các cơ quan, đơn vị mới sau khi sáp nhập và các cán bộ được lựa chọn  tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025 -2030 là vinh dự lớn, song cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng trong thời kỳ mới. Bởi vậy, một khi các cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đảm bảo các điều kiện, nhất là đáp ứng yêu cầu công việc, được “chọn mặt gửi vàng” thì càng phải nỗ lực, phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm để gánh vác công việc chung, đáp ứng được sự mong đợi của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác