Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X): ​Tạo chuyển biến cho “tam nông”

04/07/2018 07:15

​Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (còn gọi Nghị quyết về “tam nông”), qua đó góp phần tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn…

Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy, trong 10 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, phát huy sức mạnh nội lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung huy động các nguồn lực và vận động người dân nông thôn tham gia thực hiện…, góp phần tạo ra chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tỉnh ủy kịp thời ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt thực hiện nghị quyết; HĐND, UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Vườn cà phê chè xứ lạnh là cây trồng chiến lược giúp người dân vùng Đông Trường Sơn giảm nghèo, nâng cao đời sống. Ảnh: V.N

 

Trên cơ sở đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo “cú hích” mạnh mẽ làm thay đổi căn bản về nông nghiệp, nông dân và khu vực nông thôn. Hàng loạt các đề án đã ban hành phục vụ cho mục tiêu trên, đó là: Chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, cà phê xứ lạnh, phát triển lâm nghiệp bền vững, giảm nghèo, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rau hoa xứ lạnh, cải tạo đàn bò địa phương, nuôi trồng thủy sản, mỗi xã một sản phẩm…

Bằng sự huy động các nguồn lực xã hội và lãnh đạo hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với việc thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể, sát với thực tiễn như đã nêu trên, tỉnh tiến hành quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại và phát huy cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của địa phương; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Trong sản xuất, các cây trồng chủ lực và có lợi thế được đầu tư phát triển mạnh. So với trước khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), dự kiến đến cuối năm 2018 diện tích cà phê đạt 18.925ha, tăng 8.565ha; diện tích cao su 74.786ha, tăng 43.029ha.

Tỉnh quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông với diện tích 4.974,06ha.

Theo đó, bước đầu thu hút 64 doanh nghiệp sản xuất khoảng 100ha rau, hoa, quả xứ lạnh. Tỉnh cũng thu hút được 3 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm ở huyện Kon Plông. 

Các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh được quy hoạch vùng sản xuất; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Tài nguyên rừng ngày càng được quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn; trong giai đoạn năm 2008-2018, toàn tỉnh trồng mới 19.400ha rừng.

Sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 1 nhà máy chế biến đường có công suất 1.500 tấn mía/ngày; 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 550-600 tấn tinh bột/ngày; 8 cơ sở chế biến cao su và nhiều cơ sở chế biến cà phê; 8 doanh nghiệp có các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu… Các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 13/86 xã đạt xã nông thôn mới. Về thực hiện các tiêu chí, toàn tỉnh có 22 xã đạt tiêu chí giao thông, 72 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 31 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 57 xã đạt tiêu chí hạ tầng thương mại.

Người lao động nông thôn được đào tạo nghề, tạo việc làm; cho vay vốn mở rộng sản xuất; thực hiện các dự án giảm nghèo... Nhờ các nỗ lực này, tính cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 20,3%, giảm 6,2% so với năm 2015. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn được nâng lên; an ninh chính trị và trật tự an toàn nông thôn tiếp tục được củng cố.

Song, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vẫn còn những tồn tại nhất định. Việc phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ nhóm hộ nông dân phát triển kinh tế ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao; năng suất một số cây trồng và tốc độ trăng trưởng đàn gia súc chậm; sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ; việc phát triển ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác đào tạo nguồn nhân lực còn những bất cập…

Tỉnh tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Vì thế, tiếp tục chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông” là “chìa khóa vàng” để làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Trên cơ sở đó, tỉnh ta cũng đặt ra mục tiêu xây dựng nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên đất, rừng, nước trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, bảo vệ môi trường sinh thái...   

Tỉnh đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho lĩnh vực “tam nông” trong những năm tới là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ và nhân dân thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, nông thôn văn minh, hiện đại; xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học vào sản xuất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước đối với “tam nông”…

Văn Nhiên

Chuyên mục khác