01/11/2024 06:02
Thấm nhuần “tiết kiệm là quốc sách”, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt việc phòng, chống lãng phí, chắt chiu các nguồn lực, đưa chủ trương thực hành tiết kiệm, nhất là thực hành tiết kiệm trong chi tiêu công ngày càng đi vào cuộc sống.
Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng thực hiện tiết kiệm trên các lĩnh vực như: tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm trong thực hiện cắt giảm biên chế, nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm. Một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức đại hội, hay vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập đã rất ý thức khi có văn bản thông báo “Thực hành tiết kiệm, không nhận hoa chúc mừng”. Nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết đã được các cấp, các ngành tổ chức theo hướng ngắn gọn, đơn giản, tiết kiệm thời gian, không sử dụng tài liệu giấy, tổ chức họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí. Nhiều chuyến công tác đã được tính toán chặt chẽ, xây dựng và có kế hoạch sử dụng xe chung, tiết kiệm được chi phí xăng xe. Những điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực từ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cho đến ý thức, trình độ của từng cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Và đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
|
Tinh thần “tiết kiệm là quốc sách” được triển khai chung ở tất cả các cơ quan, đơn vị, tuy nhiên không phải mọi việc đều thực hiện dễ dàng, triệt để. Trong bối cảnh các nguồn lực nói chung đều có hạn, nhu cầu chi để xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực cao, trong khi đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa đạt tiến độ phần nào gây áp lực lên cân đối ngân sách, thì yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” càng trở nên cấp thiết.
Thực tế cho thấy, với những quy định của pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư công; những quy định về đấu thầu, mua sắm công, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi là những hành lang pháp lý để thực hiện chi tiêu ngân sách ngày càng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, khâu hạn chế vẫn là quá trình thực thi chưa đảm bảo nguyên tắc, nếu không được triển khai thực hiện triệt để, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật”.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là thông điệp chính mà người đứng đầu Đảng ta gửi gắm đến mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Tổng Bí thư mong muốn, mỗi người phải coi việc thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ phải làm mỗi ngày, phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm.
|
Để làm được điều đó, cùng với sự nỗ lực, ý thức của mỗi người thì vai trò trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu trong việc thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý, thực hành tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực được giao quản lý và trong cơ quan, tổ chức. Phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, kế hoạch và giải trình về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình. Bên cạnh đó, phải bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tiết kiệm luôn là vấn đề thời sự và tầm quan trọng đã được nâng lên hàng “quốc sách”. “Góp gió sẽ thành bão”, phải tiết kiệm trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, trong đó đáng chú ý nhất là tiết kiệm trong chi tiêu công phải được ý thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Khi mỗi người coi thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ của mỗi ngày, là nhiệm vụ thường xuyên sẽ dần dà trở thành nền nếp, hình thành ý thức tiết kiệm, văn hóa tiết kiệm trong đời sống.
Nguyên Phúc