Tạo động lực mới cho phát triển

08/04/2024 13:35

Vừa qua, Đảng ủy, UBND xã Măng Bút (huyện Kon Plông), Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10), các đơn vị tài trợ ra quân làm công tác dân vận di dời chuồng trâu ra khỏi khu dân cư thôn Măng Bút, kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang khu trung tâm xã, đường liên thôn. Đây là cách làm giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần tạo ra khí thế thi đua, động lực mới cho sự phát triển ở địa phương.

Không có việc gì khó

Đồng chí Y Sao - Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút cho biết, hoạt động ra quân làm công tác dân vận là nhằm hiện thực hóa Kế hoạch số 28-KH/HU, ngày 14/4/2021 của Huyện ủy Kon Plông về triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Việc vận động nhân dân làm chuồng trâu, di chuồng trâu ra khỏi khu dân cư để bảo đảm môi trường, hạn chế dịch bệnh; kết hợp với trồng cây xanh khu trung tâm xã, các tuyến đường nội thôn, nhà văn hóa thôn, dọc Tỉnh lộ 676B và khuôn viên Di tích chiến thắng Măng Bút để tạo khí thế thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Măng Bút và phấn đấu đến cuối năm xã đạt nông thôn mới.  

A Chiêm - già làng thôn Măng Bút tươi cười nói: “Cán bộ nói phải, chuồng trâu, chuồng bò bố trí trong vườn nhà, gây ô nhiễm môi trường, hôi thối khó chịu và dễ bệnh tật. Trong đợt này, dân làng thống nhất cao và cùng nhau di dời chuồng trâu ra xa khu dân cư để môi trường sống trong lành hơn”. 

Người dân di dời chuồng trại ra xa khu dân cư. Ảnh: V.N

 

Ông A Mời ở thôn Măng Bút đứng bên cạnh khoe rằng, nhà mình cũng có nuôi 2 con trâu. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt trâu ở gần nhà hôi lắm, nhất là mùa mưa. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm và được hỗ trợ tôn, xi măng, đinh, gia đình ông di dời chuồng trâu ra xa khu dân cư. Ông cảm ơn các cấp, đơn vị tài trợ và bộ đội giúp gia đình và dân làng di dời, làm chuồng trâu.

Qua bao nhiêu ngày vận động và thấy chủ trương của xã, của thôn trong đợt ra quân đang thành công tốt đẹp, ông A Hùng - Trưởng thôn Măng Bút vui như mở cờ trong bụng. Ông bảo, trong thôn nhà nào cũng nuôi trâu, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 2 con trâu trở lên. Trong đợt di dời chuồng trâu ra xa khu dân cư này, thôn Măng Bút có 73 hộ được hỗ trợ làm 73 cái chuồng; hộ có 6 con trâu trở lên được hỗ trợ 5 triệu đồng/chuồng; hộ có 5 con trâu trở xuống được hỗ trợ 3,5 triệu đồng/chuồng.

“Việc di dời chuồng trâu, giúp không khí trong thôn trong lành, con cháu học tập tập thuận lợi và không còn bị ô nhiễm môi trường, ai nấy cũng đều phấn chấn. Việc di dời diễn ra tốt đẹp, không có việc gì khó cả!”- A Hùng bộc bạch.

Để kiếm chứng lời A Hùng và người dân trong quá trình di dời chuồng trâu, tôi đi dọc thôn Măng Bút, băng qua một cánh đồng cách xa khu dân cư. Dưới các sườn đồi và trên đồng ruộng, dọc gần tuyến đường bê tông nông thôn, tôi thấy một số chuồng trâu mới di dời và xây dựng mới.

Góp phần tạo ra động lực mới

Tất bật cùng với bộ đội ra quân làm công tác dân vận, Đại úy Văn Đình Thiện - Chính trị viên, Phó Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 28) bày tỏ: Trong đợt ra quân này, Tiểu đoàn 1 có 30 cán bộ, chiến sĩ giúp dân di dời 74 chuồng trâu ra khỏi khu dân cư, trồng cây 900 cây thông, anh đào dọc đường các thôn, khu trung tâm xã Măng Bút và vệ sinh môi trường. Với quyết tâm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để góp phần cùng hệ thống chính trị xã ra quân làm công tác dân vận, Hợp tác xã Nông nghiệp - Du lịch Măng Bút tài trợ 300 triệu đồng cho các hộ dân di dời chuồng trâu ra khỏi khu dân cư; Hợp tác xã Pyloherreb Măng Đen tài trợ 5.000 cây thông và Trung tâm Dịch vụ và đô thị huyện hỗ trợ 2.000 cây hoa anh đào để cải tạo cảnh quan môi trường địa phương.

Bộ đội Trung đoàn 28 tham gia trồng cây xanh ở khu trung tâm xã. Ảnh: VN

 

Đồng hành cùng với hệ thống chính trị ra quân làm công tác dân vận ở xã Măng Bút, đồng chí Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông nhắn nhủ: Việc đưa chuồng trâu ra khỏi khu dân cư là để bảo đảm vệ sinh trong khu dân cư, phòng ngừa dịch bệnh. Đồng chí lưu ý, làm chuồng trâu có cổng, tường rào chắc chắn, bảo đảm không để trâu đi rông. Chăn nuôi kết hợp trồng cỏ, có người chăm sóc và chăn dắt.   

Theo Đảng ủy xã, qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay, xã giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; thay sản xuất thủ công bằng cơ giới để giải phóng sức lao động và phát huy hiệu quả sản xuất; các mô hình nuôi heo đen, nuôi vịt xiêm, gà, cá, trồng rau vườn nhà… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, những hủ tục, nếp sống lạc hậu (hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn…), ăn uống không đảm bảo an toàn thực phẩm dần dần được loại bỏ trong đời sống người dân.

“Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống chính trị xã đang tập trung vận động nhân dân phát triển mạnh các cây trồng chủ lực. Phấn đấu đến năm 2030: Khoanh nuôi, bảo tồn chè dây (trồng mới 200.000 cây và khoanh nuôi 20.000 cây); phát triển 142,7 ha cà phê chè xứ lạnh; 200 ha sâm dây và các loại dược liệu khác; xây dựng  cánh đồng gạo đỏ 50ha để góp phần tạo ra những động lực mới cho sự phát triển ở địa phương và nâng cao đời sống người dân”- ông Huỳnh Xuân Hậu, Chủ tịch  UBND xã nhấn mạnh.        

Văn Nhiên

Chuyên mục khác