Tăng cường công tác kiểm tra của chi bộ

25/06/2022 06:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”. Muốn đảng viên hăng hái và gương mẫu thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bởi đây vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. 
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Ảnh: Trần Văn Phúc

 

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo tiến hành thường xuyên, chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Riêng năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lập 7 Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 24 tổ chức đảng và 3 đảng viên; Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát đối với 280 tổ chức đảng và 106 đảng viên; cấp cơ sở đã kiểm tra, giám sát đối với 185 tổ chức đảng và 668 đảng viên, tăng 33 tổ chức đảng và 118 đảng viên so với năm 2020.

Toàn Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 167 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 2 đảng viên (cách chức 1 đảng viên; khai trừ 1 đảng viên); cấp huyện và tương đương thi hành kỷ luật 10 đảng viên (khiển trách 7 đảng viên; cảnh cáo 2 đảng viên; cách chức 1 đảng viên); cấp cơ sở thi hành kỷ luật 62 đảng viên (khiển trách 57 đảng viên; cảnh cáo 5 đảng viên); chi bộ thi hành kỷ luật 93 đảng viên (khiển trách 78 đảng viên; cảnh cáo 15 đảng viên).

Tổng hợp từ năm 2012 đến năm 2020, toàn Đảng bộ tỉnh đã xử lý 940 đảng viên vi phạm, trong đó, khiển trách 656 đảng viên (69,8%); cảnh cáo 199 đảng viên (21,2%); cách chức 24 đảng viên (2,5%); khai trừ 61 đảng viên (6,5%).

Những con số trên cho thấy, mặc dù các cấp ủy đảng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhưng tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.

Nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự suy thoái, trước hết là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng; thiếu ý thức kỷ luật, không chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nói không đi đôi với làm hoặc làm qua loa, chiếu lệ, dễ làm, khó bỏ.

Về khách quan, một số tổ chức đảng thiếu giáo dục bồi dưỡng tư tưởng, lập trường cho cán bộ, đảng viên trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội. Một số tổ chức thiếu cơ chế kiểm soát có hiệu quả nên đã tạo điều kiện để chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, thực dụng phát triển.

Công tác kiểm tra, giám sát tại chi bộ chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm; thiếu quan tâm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sai phạm. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu hoạt động diễn biến hòa bình, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để khắc phục tình trạng trên, một giải pháp quan trọng được xác định tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương là “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”.

Như vậy, các cấp ủy đảng, nhất là các chi bộ phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Chú trọng và tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định chi bộ giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị. Chi bộ vừa là tế bào, hạt nhân lãnh đạo chính trị, vừa là đơn vị chiến đấu của Đảng ở cơ sở. Tại chi bộ, nơi gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của mọi đảng viên, nếu công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ được tăng cường, chú trọng thì đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để đấu tranh, phòng ngừa những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới manh nha.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các chi bộ phải tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, các chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm; kiểm tra thẻ Đảng, chế độ sinh hoạt của đảng viên…

Những nội dung này phải được đưa vào chương trình sinh hoạt chi bộ định kỳ một cách phù hợp, gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện các nội dung cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đăng ký đầu năm. Đồng thời, thông qua công tác nắm bắt tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đảng viên, chi ủy và bí thư chi bộ phải chủ động, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, giáo dục đảng viên để ngăn chặn những dấu hiệu vi phạm, những việc làm sai trái ngay từ đầu; kịp thời phát hiện và chủ động kiểm tra, xử lý đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.

Nguyễn Quang Thủy

Chuyên mục khác