Sức bật từ một nghị quyết - Bài 3: Mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân là thành công

29/11/2021 06:02

Là sự tiếp nối tất yếu của các Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng, phát triển các xã vùng đặc biệt khó khăn, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV đã thành công trong việc góp phần thực hiện mục tiêu, giá trị cốt lõi là mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Hiểu nhiệm vụ, sát địa bàn

Từ câu chuyện về hiệu quả triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) ở huyện biên giới Ia H’Drai, có thể hiểu hơn về  sức bật cho vùng đặc biệt khó khăn mà một nghị quyết trúng lòng dân đem lại.

Trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến việc triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU (khóa XV) trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai Nguyễn Hữu Thạch đồng tình rằng, Nghị quyết 04 đã đem lại sức bật mới cho các xã đặc biệt khó khăn; mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc.

Là huyện biên giới, mới được thành lập tháng 3/2015, cả 3 xã đều đặc biệt khó khăn; đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nên kết quả triển khai Nghị quyết 04 (khóa XV) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.

Kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư ngày càng đồng bộ. Ảnh: H.L

 

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh triển khai nhiệm vụ. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng mô hình phát triển kinh tế; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, hộ nghèo…

Về phía địa phương, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn theo hướng đồng bộ; tích cực giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nhân dân để phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, thôn (làng); chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo nguồn phát triển đảng viên. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh; triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, đã có 145 căn nhà được xây dựng cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo khó khăn về nhà (với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng); tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 41,34%, giảm 18,93% so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; quốc phòng an ninh ổn định và giữ vững; hệ thống chính trị hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ ở cơ sở được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Lãnh đạo Báo Kon Tum thăm, tặng quà gia đình chính sách xã kết nghĩa Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy. Ảnh:  Hoàng Hà

 

Cũng từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 04, bài học rút ra là, đối với cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ 04, phải không ngại khó ngại khổ, bám làng sát hộ; dám đột phá sáng tạo, trăn trở suy nghĩ, tìm tòi cách làm mới, hướng đi hay, phù hợp với thực tiễn cơ sở.

Ví dụ như khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ 04 chính là sự năng động, trách nhiệm, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền đưa ra những giải pháp tình thế không có trong sách vở hay Nghị quyết, để giải quyết. Lúc phải tập trung tham mưu, triển khai tốt công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả, giúp đỡ hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai ổn định cuộc sống; đảm bảo chỗ ở, cái ăn, cái mặc trước, rồi đến phục hồi sản xuất.

Đối với các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã, thôn cần thực sự am hiểu địa bàn phụ trách; có phương pháp, cách làm, kế hoạch, chương trình cụ thể, thiết thực, hiệu quả, kiên trì, bám sát các mục tiêu đã đề ra.

Chính vì các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, đội ngũ cán bộ 04 làm được như vậy, nên các xã đặc biệt khó khăn đã và đang đổi thay, từng bước phát triển bền vững.

Mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân là thành công

Trong Kết luận số 237-KL/TU ngày 8/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đánh giá: Sau 5 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng tại các xã này được đầu tư đồng bộ; kinh tế có bước phát triển, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,4%; quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, 100% thôn (làng) có tổ chức đảng.

So với tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đến nay, có 38/53 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 74,5%.

Dù Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thống nhất chấm dứt thực hiện, nhưng có thể khẳng định, với những kết quả đạt được, Nghị quyết 04-NQ/TU khóa XV đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.

Cán bộ đơn vị kết nghĩa hướng dẫn hộ dân phát triển chăn nuôi. Ảnh: HL


Cũng trong Kết luận số 237-KL/TU ngày 8/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham mưu xây dựng Nghị quyết lãnh đạo thực hiện cả 3 chương trình MTQG (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025) đảm bảo tập trung, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Như vậy, sẽ có một Nghị quyết mới được xây dựng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, song hành với Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để tiếp tục thực hiện mục tiêu cốt lõi là mang lại ấm no, hạnh phúc hơn nữa cho nhân dân toàn tỉnh nói chung, người dân vùng khó khăn nói riêng.

Những giá trị mà Nghị quyết 04-NQ/TU đem lại sẽ tiếp tục là động lực để các xã đặc biệt khó khăn tiếp tục vươn lên.

Hồng Lam

Chuyên mục khác