Sức bật từ một Nghị quyết - Bài 2: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”

27/11/2021 06:37

Là sự tiếp nối tất yếu, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả cần “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận thức đúng - hành động đúng

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, sau 8 năm thực hiện, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/6/2007 của Tỉnh ủy khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của các xã đặc biệt khó khăn và trọng điểm đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư xây dựng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn...

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ; một số thôn (làng) chưa có điện lưới quốc gia; giao thông đi lại còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình chung của tỉnh, một số hộ đã thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn diễn biến phức tạp...

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV xây dựng và ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU nhằm tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới.

Với những tồn tại được nêu trên, việc triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU khóa XV không hề dễ dàng. Chủ trương đã có nhưng để thực hiện thành công đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương cần biến lời nói thành hành động theo phương châm "chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi", như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.L

 

Một thực tế thường thấy là, khi học tập Nghị quyết thì rất tốt, nói rất hay, nghe rất trôi chảy,  nhưng đến khi thực hiện lại có biểu hiện chây ì, không năng động, sáng tạo- đồng chí Ka Ba Tơ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy từng phân tích.

Chính vì thế, theo đồng chí Ka Ba Tơ, để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống cần quan tâm một số vấn đề chính. Trong đó, trước hết phải thống nhất nhận thức, quan điểm. Từ nhận thức đúng đắn mới chuyển hóa thành hành động đúng đắn.

Muốn như vậy, phải tuyên truyền, giáo dục làm sao để toàn bộ cán bộ, đảng viên, đến mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết.

Thực tế sau đó cho thấy, khi triển khai Nghị quyết, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xã, các địa phương đã chủ động xây dựng chương trình hành động của mình, trong đó xác định những việc cụ thể, trọng tâm của từng năm một. Ví dụ năm nay tập trung cái gì, năm sau thế nào.

Đội ngũ cán bộ không có tâm lý chờ đợi, thụ động, mà phát huy được tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết; làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền vận động bà con phát huy truyền thống cách mạng cần cù trong lao động sản xuất.

Tham mưu Đảng ủy, UBND xã kiện toàn sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức xã theo tinh thần bố trí cán bộ theo năng lực. Xây dựng và phát triển một số đề án phát triển kinh tế-xã hội, như: xây dựng nông thôn mới; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; hình thành chuỗi sản xuất, liên kết sản xuất-tiêu thụ…

Vận dụng linh hoạt

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, mỗi nơi lại có những khó khăn, thuận lợi khác nhau, dẫn đến tiến độ và hiệu quả cũng khác nhau. Chính vì thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm mới, phù hợp với thực tiễn, cho thấy  sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, năng động.

Ông Nguyễn Văn Nguyên- Phó Ban Chỉ đạo 04 Tỉnh ủy (sau này là Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phụ trách công tác 04) từng đánh giá: Khi triển khai Nghị quyết 04, các đơn vị, cơ quan kết nghĩa, các địa phương tránh được tình trạng “bê nguyên Nghị quyết đặt vào cấp mình” một cách nguyên tắc, cứng nhắc, mà đã vận dụng hài hòa.

Ví dụ, nhiều cơ quan, đơn vị kết nghĩa xã chọn xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là khâu đột phá, nên tập trung giúp xã rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc; hướng dẫn nâng cao chất lượng chi bộ và các đoàn thể thôn để xây dựng chi bộ đạt trong sạch; thu hút đoàn viên, hội viên, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới.

Nhiều cơ quan, đơn vị kết nghĩa lựa chọn phát triển kinh tế; giúp dân xóa đói, giảm nghèo làm trọng tâm, như Công ty Điện lực Kon Tum đã hỗ trợ xã Đăk Ring (huyện Kon  lông) xây dựng các mô hình phát triển kinh tế – xã hội, như mô hình trồng bời lời, bưởi da xanh.

Hay như Ban Dân tộc tỉnh, đã phân công cán bộ, công chức bám xã để cùng địa phương hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ 10 hộ nghèo tại thôn Chung Tam, xã Măng Ri xây dựng 10 mô hình phát triển sản xuất.

Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XV, với chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đã đưa nhiều thôn làng ở xã đặc biệt khó khăn chuyển mình; nhiều hộ đói, nghèo vươn lên bền vững.

Phía sau những kết quả ấy, là những nỗ lực, sự vất vả, hy sinh lặng lẽ của đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị kết nghĩa. Họ đã thực hiện tốt phương châm “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” để vun đắp nghĩa Đảng tình dân thêm bền chặt.

Hồng Lam

Chuyên mục khác