Sức bật từ một Nghị quyết

21/09/2020 13:06

Với lợi thế, tiềm năng phát triển về dược liệu, tỉnh ta đã và đang nỗ lực vươn lên thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Mảnh đất Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi hàng trăm loại dược liệu và cây thuốc quý, trong đó phải kể đến Quốc bảo-Sâm Ngọc Linh. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế đó, ngày 2/3/2018, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU và sau đó, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI cũng phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề để các đơn vị, ngành chức năng cụ thể hóa thúc đẩy phát triển tiềm năng về dược liệu.

Theo đó, tỉnh ta xác định phát triển dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh nhưng tập trung ở 3 huyện trọng điểm Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông;10 loài dược liệu được xác định đầu tư để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung gồm: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu. Và trước mắt, ưu tiên tập trung phát triển 4 loài dược liệu chủ lực là sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, nghệ vàng và một số loài dược liệu có sức tiêu thụ lớn trên thị trường.

Ngoài sự quan tâm chú trọng chỉ đạo công tác bảo tồn và phát triển một số loại dược liệu thì tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu như: miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc, áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất giống sâm Ngọc Linh, giống trồng cây đảng sâm, đương quy... cho các nhà đầu tư, để nhà đầu tư hỗ trợ lại giống cho gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng Măng Ri của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: HN  

 

Cụ thể hóa chủ trương đó, tại các vùng trọng điểm như huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, chính quyền địa phương cũng ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết 08 phù hợp với thực tế địa phương; có địa phương còn xây dựng thành đề án phát triển dược liệu mang tính dài hơi. Từ đó, các địa phương ưu tiên các nguồn vốn, thực hiện ưu đãi tín dụng chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân phát triển dược liệu. Vì vậy, diện tích sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác trên địa bàn tiếp tục được mở rộng, hình thành các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Hiện, toàn tỉnh đã phát triển được 1.531 ha cây dược liệu các loại, trong đó có 630 ha sâm Ngọc Linh, hơn 900 ha các dược liệu khác như đảng sâm, đương quy… với sản lượng đạt khoảng 4.605 tấn.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và tập trung lãnh, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã chú trọng và huy động, tập trung các nguồn lực, cùng với những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết với hộ dân thực hiện bảo tồn, đầu tư và phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Tu Mơ Rông cũng xác định phát triển dược liệu là một trong các loại cây trồng chủ lực của địa phương để giảm nghèo cho bà con DTTS trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 720 ha cây dược liệu các loại, trong đó riêng sâm Ngọc Linh là 506 ha, đảng sâm 120 ha, đương quy gần 40ha...

Còn tại huyện Kon Plông, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chia sẻ: Ngay sau khi có Nghị quyết 08, đề án phát triển dược liệu của tỉnh, huyện đã xây dựng chương trình hành động, ban hành kế hoạch phát triển từng loại cây dược liệu, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ cho người dân phát triển diện tích cây dược liệu. Đến nay, huyện có 18 dự án liên quan đến đầu tư trồng, phát triển cây dược liệu và đã phát triển được gần 200 ha cây dược liệu các loại…

Tại huyện Đăk Glei, đến nay toàn huyện đã phát triển được hơn 4,3ha sâm Ngọc Linh, có 232,2 ha đảng sâm, 1 ha đương quy, 1 ha đinh lăng…

Thoát nghèo và làm giàu từ dược liệu

Mấy năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào DTTS huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông…đang chú trọng phát triển mạnh các loại cây dược liệu và rất phấn khởi vì có được nguồn thu ổn định từ cây dược liệu. Hiện nay, với mức giá đảng sâm khoảng 150.000-200.000 đồng/kg (tươi), từ 500.000-700.000 đồng/kg (khô); sâm Ngọc Linh có giá khoảng từ 60-120 triệu đồng/kg tươi tùy theo loại củ to, nhỏ khác nhau; …có thể nói, cây dược liệu không chỉ giúp cho bà con cải thiện được cuộc sống hàng ngày, mà còn vươn lên khá giả.

Đến nay, chuyện làm giàu từ sâm của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông không còn là chuyện lạ. Tu Mơ Rông có đến 80% hộ dân trong huyện trồng đảng sâm, có hàng trăm hộ đã và đang phát triển sâm Ngọc Linh. Cũng từ trồng dược liệu, không ít hộ gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo và vươn lên làm giàu. Điển hình như chị Y Hlạng (xã Măng Ri), Y Bắp, A Hình (xã Tê Xăng)… đã vươn lên làm giàu từ cây dược liệu.

Sâm Ngọc Linh đang được phát triển mạnh ở Tu Mơ Rông. Ảnh: HN  

 

Tại “thủ phủ” của dược liệu, xã Măng Ri, đến nay có hơn 90% người dân trong xã phát triển cây dược liệu (chủ yếu là đảng sâm). Xã có gần 500 hộ dân thì đã có 270 hộ liên kết với công ty để trồng sâm Ngọc Linh. Hàng chục hộ cũng tự mua giống về trồng. “Bây giờ sâm Ngọc Linh chưa thu hoạch. Khi nào có sâm Ngọc Linh bán, mỗi hộ chỉ cần vài trăm gốc là sẽ có tiền tỷ trong tay. Nhiều người sẽ thành triệu phú, tỷ phú” - ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri phấn khởi.

Chia sẻ với phóng viên, ông A Bar- thôn Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Năm 2017, gia đình mình mua 100 gốc sâm để trồng dưới tán rừng. Dự kiến khoảng 6 năm là có thể thu hoạch khoảng 2kg. Giá mỗi kg tính sơ sơ cũng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể khi trồng vài năm, những cây sâm cho hạt và gia đình lấy ươm rồi tiếp tục trồng sâm thì lúc ấy, nguồn sâm sẽ nhiều lên, thu nhập sẽ tăng, cuộc sống sẽ được nâng cao.

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08, cây đảng sâm, đương quy… đang là những loại dược liệu được đa số người dân trồng đã cho thu hoạch,  hàng năm mang lại thu nhập khá. Cụ thể, 1 sào đảng sâm, thu nhập bình quân 60 triệu đồng/năm, còn 1 sào đương quy có thể cho thu nhập 35 triệu đồng/năm. Qua đó cho thấy trồng cây dược liệu tạo thu nhập vượt trội so với một số loại cây trồng khác. Vì thế, mấy năm trở lại đây, nhờ phát triển cây dược liệu, đã góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đời sống của người dân được nâng cao. 

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 08-NQ/TU đã đem đến sức bật mạnh mẽ, đưa dược liệu thành cây trồng mũi nhọn, chủ lực, nhằm góp phần quan trọng trong giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung thu hút đầu tư các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025...

Hà Nam

Chuyên mục khác