Sự bất tử của một địa danh

25/09/2016 18:52

Tôi tần ngần đứng ngắm những mái lán lợp tranh đã xỉn màu, ngắm gian nhà trưng bày xây theo lối hiện đại lợp ngói và căn hầm làm việc (mô phỏng), nghe suối Đăk Y Hai ào ạt chảy… mà nghĩ về sự bất tử của Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ. Trải qua bao tháng năm, núi rừng Măng Ri vẫn rì rào kể về suối nguồn cách mạng...

1. Cuối tháng 9, thời tiết ở Tu Mơ Rông như cô thiếu nữ đỏng đảnh, lúc mưa lúc nắng. Suốt chặng đường gần 30km từ trung tâm huyện vào xã Măng Ri, rồi từ xã vào Khu căn cứ, ngồi trên xe, tôi cứ tấm tắc vì nắng nhẹ gió mát, ấy vậy mà đến khi phải đi bộ, đặt chân lên con đường là những bậc xi măng dài 3km hun hút để lên Khu căn cứ thì trời đổ mưa. 2 tiếng đồng hồ leo núi, đủ để thử thách sức bền của bất cứ ai.

Đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy. Ảnh: L.H

 

Khi xe chạy băng băng trên Quốc lộ 40B khá đẹp, rồi rẽ về hướng tây bắc vào Măng Ri, đường cũng trải bê tông phẳng phiu, tôi cố gắng tìm lại chút ký ức cũ của chuyến Về nguồn do Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức cách đây tròn 16 năm (năm 2000), nhưng chịu. Cũng phải thôi, ngày ấy đi bộ vạch lá vịn cây mà leo, còn bây giờ xe chạy vèo vèo.

Để lên Khu căn cứ phải đi bộ vượt qua chặng đường dài 3 km với những bậc xi măng. Ảnh: L.H

 

Tất nhiên, bằng những cứ liệu lịch sử được anh Hoàng Đình Chung (Phòng Di sản Văn hóa- Sở VH-TT&DL) cung cấp, tôi cũng có thể tưởng tượng ra một chiến khu xưa với những con đường mòn giữa các khu rừng rậm rạp của đại ngàn Trường Sơn chạy ngoằn ngoèo các hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, tiện lợi cho việc tiến thoái, tiếp tế lương thực, đạn dược... Và đặc biệt là che mắt được kẻ địch dòm ngó, đảm bảo an toàn khu cho bộ máy lãnh đạo của tỉnh hoạt động thời chiến.

Theo Hồ sơ di tích, vào tháng 8/1959, khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn cam go nhất, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam sát hại đồng bào và chiến sĩ cách mạng, Ban cán sự  Tỉnh ủy Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn, đầu sỏ… và đã chọn địa điểm suối Đăk Y Hai thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động.

Một chuyến khảo sát năm 2006. Ảnh Xuân Hoành

 

Đây là vùng có địa hình chia cắt rất phức tạp, một hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh vô cùng hiểm trở “dễ thủ khó công”. Ngược lại, đây lại là địa bàn rất thuận lợi cho ta về hệ thống liên lạc, là cửa ngõ nối liền miền Bắc XHCN; phía đông là căn cứ Khu ủy Khu V; phía nam là căn cứ cách mạng Tam Rông, Tu Kép, Tu Thó; phía tây là vùng căn cứ cũ… rất thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ do Khu ủy Khu V giao phó. Bên cạnh đó, địa bàn còn có đủ điều kiện để tổ chức tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm khá dồi dào cho quá trình hoạt động cách mạng lâu dài.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, cơ quan Tỉnh uỷ đã đứng chân hoạt động trong suốt 12 năm (1960-1972), chỉ đạo quân và dân Kon Tum giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường, góp phần đánh bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ ngụy trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

2. Tôi tin rằng những cán bộ lão thành cách mạng từng “nằm gai nếm mật” nơi này, nếu trở lại thăm Măng Ri hôm nay, hẳn sẽ khó mà hình dung lại được hiện trạng một thời cách đây hơn 50 năm. Nhưng tôi cũng tin rằng, các bậc tiền bối ấy sẽ rất vui khi chứng kiến Khu căn cứ được quan tâm đầu tư tôn tạo, phục hồi, xây dựng.

Chủ tịch UBND xã Măng Ri - Nguyễn Bá Thành cho biết: Vào năm 2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. 4 năm sau, vào năm 2011, một Dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích được triển khai nhằm trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ “Về nguồn” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 81 tỷ đồng, dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (đã hoàn thành năm 2015) đầu tư đường vào khu di tích; xây dựng nhà đón tiếp, cổng, sân lễ hội; phục dựng các khu chức năng của Tỉnh ủy cũ, như nhà Ban cơ yếu, hội trường, hầm làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà hậu cần, nhà bộ phận phục vụ... Giai đoạn 2 (đang triển khai) triển khai xây dựng nhà trưng bày, nhà bia, cụm tượng đài...

Nhắc đến hạng mục nhà bia, tôi chợt nhớ cách đây không lâu, nhà thơ Tạ Văn Sỹ từng “khoe” về dự thảo bài văn bia. Trong đó có đoạn: “Khu căn cứ Tỉnh ủy này là địa chỉ đỏ, là biểu tượng lòng kiên trung cách mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. UBND tỉnh Kon Tum ký Quyết định số 761/QĐ-UB, ngày 2/8/2007 công nhận đây là Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Để khắc ghi giá trị lịch sử to lớn của một thời gian lao mà anh dũng, nay dựng bia này lưu truyền mãi về sau”.

Là người trực tiếp tham gia tất cả các đợt khảo sát, lập hồ sơ di tích và tôn tạo Khu căn cứ Tỉnh ủy, anh Nguyễn Xuân Hoành - Trưởng phòng VH-TT huyện Tu Mơ Rông kiêm Phó trưởng ban quản lý Khu di tích khẳng định: Tất cả các vị trí được phục dựng hiện nay đều rất chính xác, bởi vì nhiều vị cán bộ lãnh đạo cách mạng ở Khu căn cứ này đến nay vẫn còn sống và họ đã trực tiếp đi thực địa để tìm lại địa điểm này.

Trong những chuyến đi ấy, các bác đều rất vui khi thấy vùng căn cứ cách mạng đã đổi thay. Anh Hoành cho biết, anh còn nhớ trong một lần khảo sát, bác Phạm Trọng (Nhớ) - Phó Bí thư Tỉnh ủy những năm 1968-1971, đã xúc động nhắc: Suốt thời gian chúng tôi sống và làm việc ở Khu căn cứ Tỉnh ủy đã được nhân dân địa phương che giấu, bao bọc. Chúng tôi không bao giờ quên ơn đồng bào Măng Ri!

Tôi đã từng đến nhiều khu di tích cách mạng trên cả nước nên hiểu rằng, để những khu di tích này thực sự là địa chỉ lịch sử-văn hóa nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh thì còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá đi lại, và phục chế các hạng mục di tích một cách bài bản, khoa học, kết hợp với đặc thù rừng núi và văn hóa bản địa.

Mà để làm được điều đó, không thể trong một vài năm trước mắt mà cần có kế hoạch lâu dài với các dự án khả thi với sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội...

Tôi bần thần đứng nhìn dòng suối Đăk Y Hai, nhìn những dấu tích phủ rêu. Chợt nghe văng vẳng tiếng cười nói, tiếng gõ máy chữ lách tách lan xa trên những cành cổ thụ ven suối... Cái gì rồi cũng dễ đổi thay với thời gian, nhưng mỗi dòng sông, ngọn núi nơi đây vẫn sẽ giữ mãi những dấu ấn khó phai mờ về một địa danh cách mạng và những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Lê Hải

Chuyên mục khác