Sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa

17/05/2022 06:15

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta nhiều di sản quý báu, trong đó, những sáng tạo của Người về vấn đề dân tộc thuộc địa là một dấu ấn nổi bật, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời có giá trị thời đại sâu sắc.

Nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là: Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là khát vọng lớn nhất của các dân tộc thuộc địa. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Nền độc lập đó do mình làm nên; thoát ly hẳn chủ nghĩa thực dân, đế quốc; nền độc lập đó do mình quyết định đường lối chính sách về chính trị, kinh tế, ngoại giao; độc lập dân tộc là độc lập hoàn toàn: Nền độc lập đó gắn với thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; nền độc lập đó gắn với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, có tư tưởng cốt lõi là độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong Chánh cương vắn tắt cũng như trong Lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp khởi thảo, đã xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc và tiến lên xã hội cộng sản.

Tháng 5/1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”.

Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân trong câu nói bất hủ: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải là một nền độc lập thật sự, hoàn toàn, gắn với hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp hòng cai trị nước ta một lần nữa, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) Người viết “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đồng sức, đồng lòng, chiến đấu hy sinh, kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đặc biệt, về vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp ở một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cũng đã có những sáng tạo hết sức độc đáo.

Ở thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nêu ra những quan điểm cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, tạo cơ sở lý luận và phương pháp luận cho việc xác định chiến lược, sách lược của các đảng cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu và mục tiêu của cách mạng vô sản ở Châu Âu, các ông tập trung vào giải quyết vấn đề giai cấp; vẫn “đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản”.

Đối với Hồ Chí Minh, là người xuất thân từ một nước thuộc địa, trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, và mặc dù coi hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “cẩm nang thần kỳ”, nhưng từ sự nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn ở các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều vấn đề lý luận các nhà kinh điển đưa ra, chỉ đúng với điều kiện châu Âu, cho nên, cần phải nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, phù hợp, không giáo điều, rập khuôn.

Theo quan điểm của Người, giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết; giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Người, trong mối quan hệ dân tộc - giai cấp, dân tộc là tổng thể, giai cấp là một bộ phận. Do đó, quyền lợi của giai cấp, (tức là quyền lợi của bộ phận) phải phục tùng quyền lợi của dân tộc (bộ phận phục tùng tổng thể). Ðó là những quan điểm lý luận sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo về lý luận và thực tiễn cách mạng; về giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai cấp, chủ nghĩa yêu nước trong sáng với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy tác dụng, đưa tới những thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta. Ðó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do dân làm chủ.

Ðó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ðó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ðó là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà nhân dân ta đang tiến hành, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới, có cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển rất tươi sáng.

Những cống hiến sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc đã bổ sung cho kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, mãi mãi là niềm tự hào, là ánh sáng soi đường, dẫn dắt dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến lên.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác