Sa Thầy “cán đích” nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng

16/09/2023 13:10

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường chỉ đạo quyết liệt gắn với phân công cấp ủy viên phụ trách các xã, thị trấn, chủ động rà soát, xây dựng dự nguồn đảng viên ở cơ sở…, là một trong những giải pháp trọng tâm giúp huyện Sa Thầy “cán đích” chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn.

Huyện Sa Thầy có 64 chi bộ thôn (làng) trực thuộc đảng bộ 11 xã, thị trấn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sa Thầy lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% thôn trưởng là đảng viên và 70% bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã ban hành Kế hoạch số 31-KH/HU về phát triển đảng viên mới nhiệm kỳ 2020-2025, giao chỉ tiêu cụ thể cho cấp ủy các xã, thị trấn triển khai thực hiện việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng. Bám sát Chương trình số 39-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể gắn với nhiều giải pháp trọng tâm, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương này. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác chỉ đạo quyết liệt gắn với phân công cấp ủy viên cấp huyện phụ trách các xã, thị trấn; các xã, thị trấn đã chủ động rà soát, xây dựng dự nguồn đảng viên ở cơ sở để bố trí các chức danh tại khu dân cư.

Huyện Sa Thầy có 64/64 thôn trưởng là đảng viên. Ảnh: VTN

 

Ông Lê Khắc Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong chia sẻ: Với đặc thù là địa phương có 90% dân số là đồng bào DTTS có đạo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã chủ động xây dựng nguồn phát triển đảng viên, nhất là đảng viên đồng bào DTTS tại các thôn. Chú trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú qua các phong trào thực tiễn ở cơ sở. Xã Hơ Moong có 7 thôn (làng), hiện nay tất cả bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn, trong đó có 2 đồng chí bí thư chi bộ kiêm 3 chức danh. Nói chung, việc triển khai công việc tại một đầu mối rất nhanh và hiệu quả. Qua thực tiễn triển khai, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã tạo được sự thống nhất, từ đó giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, các đồng chí đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng, của thôn, xây dựng chi bộ vững mạnh. Hơn nữa, từ tháng 8/2023 đến nay Nghị định 33/2023 của Chính phủ có hiệu lực, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn được nhận 100% phụ cấp khi giữ hai chức danh không chuyên trách, nên cũng động viên tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn.

Cán bộ “ba trong một” - đó là lời nhận xét hóm hỉnh của mọi người khi nhắc đến ông Đỗ Anh Tuấn, thôn Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong. Hơn 7 năm giữ chức bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, từ năm 2022 đến nay, ông Đỗ Anh Tuấn còn thực hiện vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hơ Moong. Ông Tuấn chia sẻ: Khi được giao nhiệm vụ, bản thân luôn được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương nên quá trình thực hiện công việc thuận lợi. Hơn nữa, để người dân tin và nghe theo, trước tiên bản thân và gia đình sống phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Sau đó bà con mới tin tưởng mình, mình mới vận động, tuyên truyền bà con được. Nếu nói mà không làm được thì chắc chắn không được rồi.

Ông Đỗ Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Ảnh: VTN

 

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đến nay, huyện Sa Thầy có 64/64 thôn trưởng là đảng viên; trong đó có 53/64 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng; 11/64 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra. Hầu hết, các đồng chí bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn được nhân dân tín nhiệm cao, trưởng thành qua các phong trào thi đua, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn không những góp phần tăng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ được trực tiếp và toàn diện, giảm các cuộc họp.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Sa Thầy cho biết: Để chủ trương này phát huy hiệu quả cao, Ban Tổ chức Huyện uỷ đã tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ triển khai, thực hiện, trong đó hướng dẫn cấp ủy các xã, thị trấn chú trọng khâu lựa chọn cán bộ. Người đảm nhận chức danh này phải thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, năng động, dám nghĩ, biết làm, tâm huyết với nhiệm vụ và đặc biệt là phải có uy tín cao trong nhân dân. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là những “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở với người dân. Bởi vậy, chúng tôi phải thật sự thận trọng trong công tác nhân sự, để họ là những người “dân tin, đảng cử”. Huyện đã chỉ đạo các địa phương cần thực hiện tốt bước đầu tiên là xây dựng dự nguồn, kết nạp những quần chúng có năng lực, uy tín trong nhân dân để phát triển, gắn với làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, có quy trình chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận cả trong nhân dân và trong tổ chức đảng. Qua rà soát, có 31/64 đồng chí bí thư chi bộ có trình độ từ THPT trở lên, trong đó 50% cán bộ thôn có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, đây cũng là nguồn cán bộ kế cận của địa phương sau này. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ bí thư chi bộ, thôn trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vũ Thị Nhung

Chuyên mục khác