Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

25/09/2019 06:54

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng… để từ đó có những bước tiến tích cực, tạo động lực sớm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế có nhiều “điểm sáng” rõ nét như, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 8,78%/năm, đạt 97,59% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành nông lâm-thủy sản từ 30,17% (năm 2015) xuống còn 26,58%, đồng thời tăng dần các ngành công nghiệp-xây dựng từ 23,19% lên 25,78% và thương mại - dịch vụ đã tăng từ 39,08% lên 39,64%. Cuối năm qua, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.808 tỷ đồng (tăng thu 854,3 tỷ đồng so với năm 2015), bằng 80,23% mục tiêu Nghị quyết đặt ra; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD lên 1.704 USD, đạt 68,2% kế hoạch.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đưa Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông đi vào hoạt động hiệu quả với quy mô 17ha, thu hút được 15 dự án đầu tư.

Trồng rau thủy canh ở Sa Thầy. Ảnh: TH

Đối với chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 4.522ha đất sản xuất được các tổ chức, cá nhân và nhân dân đăng ký thực hiện. Đồng thời, công tác triển khai hình thành vùng nguyên liệu tập trung để phát huy tiềm năng nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao đạt được kết quả tích cực. Hiện toàn tỉnh có 74.460ha cao su, 20.488ha cà phê, khoảng 150ha  rau hoa quả xứ lạnh, khoảng 600ha sâm Ngọc Linh, khoảng 1.265ha trồng dược liệu; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 705ha, nuôi cá lồng đạt 317 lồng… Tháng 9/2019, tỉnh ta đã có 3/110 sản phẩm toàn quốc được Bộ Công thương trao Giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia gồm: Sản phẩm cà phê DakMark túi lọc chồn của Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng; nước ép trái sim rừng và nước ép chanh dây của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn…

Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực, đến nay, có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, đạt 72% Nghị quyết đề ra.

Ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, một số ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh kêu gọi đầu tư có kết quả với 5 doanh nghiệp và chuỗi cơ sở chế biến cà phê sạch ở các địa phương, 7 nhà máy chế biến cao su đã đi vào hoạt động, 6/8 nhà máy chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 1.300 tấn tinh bột/ngày, hơn 60 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản đăng ký kinh doanh và 5 công ty có quy mô lớn chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu... Toàn tỉnh đã thu hút đầu tư được hơn 320 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.405 tỷ đồng…

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nhất là tại 3 vùng kinh tế động lực (tại 3 vùng này đã huy động và bố trí 6.281 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển). Việc chỉnh trang đô thị để thành lập thị xã Ngọc Hồi được tích cực thực hiện; đã xây dựng Đề án và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quyết định thành lập thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Hạ tầng khu hành chính mới huyện Ia H’Drai được đầu tư, hình thành.

Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu; kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, toàn tỉnh tăng thêm 706 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 2.949 có tổng vốn đăng ký 31.089 tỷ đồng.

Ý tưởng "Nuôi thủy sản nước ngọt" của Hội Nông dân huyện Đăk Tô. Ảnh: ĐT

Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp; các công trình, cụm công trình thủy lợi được sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân...

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước được nâng lên, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm qua đạt 49%, đạt 94,2% mục tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương là 35,4%, đạt 44,25% mục tiêu Nghị quyết.

Hệ thống trường lớp học tiếp tục được củng cố và mở rộng, toàn tỉnh có 421 trường, trong đó có 158 trường đạt chuẩn quốc gia - tăng 25 trường so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng giáo dục học sinh DTTS chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 là 91,47%; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi ngày càng tăng, tiểu học là 99,9% và THCS 95%.

Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp; 100% đội ngũ y bác sỹ được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Toàn tỉnh có 80% số xã có trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020…

Đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống DTTS và các di tích cách mạng, tỉnh đã chỉ đạo phục dựng 22 lễ hội truyền thống của các dân tộc địa phương; tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng cho 300 lượt thanh thiếu niên và hỗ trợ 38 bộ cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS…

Mô hình sản xuất đa dạng nấm thực phẩm an toàn của anh Hoàng Văn Phú ở xã Diên Bình (huyện Đăk Tô). Ảnh: MT

Công tác giảm hộ nghèo thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đến cuối năm 2018 đã giảm còn 17,29%. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thường xuyên, với hàng chục tỷ đồng chăm lo đời sống, cứu trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bị thiên tai lũ bão hàng năm…

Song song với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh còn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Đến nay, toàn tỉnh có 671 tổ chức cơ sở đảng, với kết quả đánh giá xếp loại năm 2018 có 25,61% tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 72,25% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ…Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 4.922 đảng viên, ước đạt 98,44% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, tăng 18,83% so với tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ…

Những kết quả trên sẽ là động lực để Đảng bộ tỉnh khóa XV tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TU về “Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá năm 2019”. Việc ban hành Chỉ thị càng cho thấy quyết tâm của Đảng bộ tỉnh đưa Kon Tum phát triển toàn diện, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.       

Mai Trâm

Chuyên mục khác