Phát huy vai trò của KOLS, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

28/09/2024 06:16

Ngày nay, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, tình hình các loại tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng không gian mạng đang phát triển mạnh về cả loại hình, số lượng vụ việc và hậu quả để lại, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc tạo lập, sử dụng các trang mạng, chủ yếu là mạng xã hội để phát tán thông tin xấu, độc, tung tin bịa đặt, cắt ghép, pha trộn tin thật giả, đánh tráo khái niệm; sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, cơ quan Đảng, Nhà nước, hội nhóm theo các sự kiện, vấn đề phức tạp hoặc các đồng chí lãnh đạo cấp cao, lực lượng vũ trang, đăng tin “giật tít, câu like”, lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật, lừa đảo.

Bên cạnh đó, các đối tượng triệt để sử dụng các công cụ, phần mềm chat có tính bảo mật cao để liên lạc, thảo luận, lên kế hoạch chống phá; sử dụng các mạng xã hội có sự phát triển nhanh như tiktok, instagram, facebook,... để tuyên truyền chống phá, tác động trực tiếp tới giới trẻ - những đối tượng chưa được trang bị đầy đủ về tư tưởng chính trị.

Ký kết giao ước đồng hành vì môi trường không gian mạng Kon Tum an toàn, lành mạnh. Ảnh: HMN

 

Tại địa bàn tỉnh ta, thời gian qua đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động của các KOLs, hội, nhóm, trang mạng xã hội được lập ra vì nhiều mục đích đa dạng như cung cấp, trao đổi thông tin, hình ảnh, kinh doanh online, quảng bá du lịch. Thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các KOLs, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội đã góp phần định hướng dư luận, chủ động phản bác những thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang dư luận, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trước những âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, những phương thức lừa đảo của tội phạm, đồng thời đây cũng là “nguồn tin” để lực lượng Công an giải quyết các vụ án, vụ việc góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiều bài viết ngắn gọn, trình bày hấp dẫn, thu hút được hàng chục bình luận, chia sẻ chỉ sau vài phút đăng tải; nhiều vấn đề sau khi đăng tải đã tạo ra cuộc tranh luận khá sôi nổi trên tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng xã hội. 

Tuy nhiên, do tính linh hoạt trong hoạt động, cơ chế kết nạp thành viên đa dạng về thành phần, những hội nhóm này có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng triển khai ý đồ, hoạt động và tạo thành hiệu ứng lan tỏa diện rộng. Thực tế này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên không gian mạng; nhiều trường hợp đăng tải những thông tin sai sự thật đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ. Đơn cử như qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trang, nhóm kín trên các nền tảng mạng xã hội có hành vi báo “chốt” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông cho người tham gia giao thông tìm cách né tránh như: Nhóm Facebook “Nồng độ cồn Kon Tum”  có hơn 7.000 thành viên, nhóm Facebook “Hội thần cồn Kon Tum” có hơn 10.000 thành viên, nhóm facebok “Hội Ăn nhậu văn minh” có hơn 9.000 thành viên, nhóm Zalo “Kon Tum - Tôi & Em say” có 1.000 thành viên.

Tại nhóm, các thành viên thường xuyên đăng tải nhiều nội dung, thông tin thông báo địa điểm lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, với mục đích để các thành viên biết và “né chốt” tránh bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông trong trạng thái đã sử dụng rượu bia. Hành vi này đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng, hệ lụy xấu như tạo điều kiện cho những người vi phạm nắm được thông tin, đối phó với việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT; gây ảnh hưởng đến công tác “phòng, chống tác hại của rượu bia” và cản trở đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT; thậm chí hành vi đã tiếp tay cho tội phạm khi các đối tượng biết trước vị trí của lực lượng Công an đang thực thi nhiệm vụ để né tránh kiểm tra, gây ảnh hưởng xấu đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Lực lượng chức năng xử lý đối tượng báo chốt CSGT trên mạng xã hội. Ảnh: HMN

 

Trước thực trạng trên, để bảo đảm KOLs, hội, nhóm, trang mạng xã hội hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị tại địa phương, không để các trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh hoạt động riêng lẻ, thiếu tính định hướng, thông tin tuyên truyền thiếu chính xác, không tập trung theo chủ đề, sự kiện, năm 2024, Công an tỉnh xây dựng mô hình “Không gian mạng an toàn - Bình yên cho mỗi gia đình”.

Mô hình không chỉ có sự tham gia của các quản trị viên trang mạng xã hội tại các cơ quan, đơn vị mà các quản trị viên ngoài xã hội, nhiều thành phần nghề nghiệp góp phần xây dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, cụ thể: thường xuyên trao đổi, cung cấp những đóng góp thiết thực của các trang, hội nhóm Facebook trong việc lan tỏa tinh thần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quảng bá hình ảnh đẹp tại địa phương; kịp thời phản ánh các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo; phối hợp trong xác minh, xử lý các hoạt động đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, những kinh nghiệm trong bảo mật tài khoản cá nhân và quản trị hội, nhóm, trang mạng xã hội.

Bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong giai đoạn các thế lực thù địch, phản động dần chuyển hướng hoạt động trên mạng xã hội. Chính vì vậy, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cần có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của đội ngũ KOLs, quản trị viên hội, nhóm trang mạng xã hội.

Thời gian tới, để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra trong việc phát huy vai trò của đội ngũ KOLs, quản trị viên hội, nhóm trang mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải quan tâm, chú trọng một số vấn đề như sau:

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin. Nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của KOLs, QTV các hội, nhóm; phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng các nền tảng trên không gian mạng xây dựng nội dung vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự; đối tượng tuyên truyền là người dân, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh niên, học sinh, sinh viên là những đối tượng chính tương tác với KOLs trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội, bản tin truyền hình, các buổi tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức về an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nội dung xấu, độc, có ứng xử đúng đắn trên không gian mạng.

Các KOL, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội chấp hành các quy định của Luật An ninh mạng; tiếp tục phát huy vai trò ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng; có trách nhiệm trong hoạt động phát ngôn, không đăng tải thông tin sai sự thật, thu hút tài khoản mạng của phần tử xấu, tuyên truyền, kích động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý thành viên, kiểm soát thông tin đăng tải, chia sẻ để góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh; kịp thời trao đổi thông tin liên quan các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đến cơ quan công an.

Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ không của riêng ai; chú trọng huy động, cộng hưởng sức mạnh của đông đảo thành viên hội, nhóm, trang mạng xã hội tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; đấu tranh với các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và các hoạt động xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

Hoài Mộng Nhung

Chuyên mục khác