Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân

18/06/2024 06:23

Thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân góp phần ổn định xã hội, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với người dân.

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 97- KH/TU, ngày 18/6/2019 về “trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại hằng năm; bí thư các huyện ủy, thành ủy, cấp xã bên cạnh việc tiếp công dân định kỳ cùng với UBND cùng cấp đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể tham gia giải quyết, kết hợp việc làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo với việc vận động, thuyết phục công dân chấp hành đúng các quy định pháp luật không để phát sinh tình hình phức tạp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp công dân định kỳ vào ngày 22 hàng tháng tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh. Ảnh: DN

 

Vào ngày 22 hàng tháng, tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, cùng với đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan thực hiện việc tiếp dân định kỳ.

Ngoài ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn thường xuyên đi cơ sở, xuống các xã, thôn, làng để làm việc, lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân; lồng ghép việc đối thoại với người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri với vai trò là Chủ tịch HĐND tỉnh. 

5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 17.171 cuộc tiếp dân định kỳ, với 2.359 lượt công dân được tiếp (trong đó có 14 đoàn đông người); tổ chức 91 cuộc tiếp dân đột xuất với 91 người tham gia, trong đó, có 1 vụ việc khiếu nại kéo dài (vụ việc thu hồi và đền bù đất ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi). Nội dung khiếu kiện chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và việc thực hiện các chế độ chính sách.

Bên cạnh việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân các tại các huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp xúc, đối thoại với đại biểu phụ nữ, đoàn thanh niên; tổ chức đối thoại với người dân để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Vì thế, một số vụ việc khiếu  nại, kiến nghị, phản ánh kéo dài đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều lần, trả lời cho công dân và ban hành thông báo chấm dứt giải quyết.

Cùng với đó, bí thư các huyện ủy, thành ủy tổ chức đối thoại với người dân về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để triển khai các dự án trên địa bàn; đối thoại, giải quyết tranh chấp giữa người dân và Công ty Cao su Kon Tum. Trên cơ sở ý kiến của công dân, bí thư cấp ủy đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài tiếp dân, đối thoại với dân theo định kỳ và đột xuất, người đứng đầu cấp ủy còn tiếp nhận và xử lý 1.805 phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; trong đó, thuộc thẩm quyền, đã được chỉ đạo xử ý là 1.684/1.684 vụ, việc; 121 vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý, đã hướng dẫn công dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

Cử tri xã Đăk Long, huyện Đăk Hà  phát biểu tại Hội nghị TXCT. Ảnh: DN

 

Qua các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, người đứng đầu cấp ủy lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân với tinh thần dân chủ, cởi mở, công tâm, khách quan; kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, tạo niềm tin cho người dân khi được gặp, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy.

Công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân cũng được chú trọng. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 1 cuộc giám sát đối với 3 tổ chức đảng; các huyện ủy, thành ủy đã tổ 7 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 11 tổ chức đảng. Từ đó, kịp thời chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý, giải  quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân trên địa bàn. 

Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng hạn chế rất nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài, hạn chế phát sinh những vụ việc mới. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển.   

Dương Nương

Chuyên mục khác