02/03/2023 13:03
Đối với tỉnh Kon Tum, nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện rất rõ cả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Về tổ chức, nguyên tắc tập trung thể hiện ở việc nhân dân bầu ra đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương- là HĐND các cấp. Cơ quan quyền lực nhà nước bầu ra UBND các cấp, là cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Nguyên tắc dân chủ thể hiện qua việc UBND tỉnh phát huy dân chủ trong việc huy động sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện quyết định của các cấp địa phương.
Những vấn đề quan trọng, liên quan đến tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự của cơ quan nhà nước phải được đưa ra thảo luận tập thể, hoặc là HĐND tiến hành xem xét, bầu theo thẩm quyền, hoặc là các thành viên UBND (có thể là hội nghị mở rộng), và quyết định theo đa số.
Đây cũng là biểu hiện của sự tập trung trong việc thống nhất ý kiến, dân chủ trong việc đóng góp ý kiến và quyết định cuối cùng.
|
Về hoạt động, nguyên tắc tập trung thể hiện ở tất cả các yêu cầu, mệnh lệnh do cấp trên và Trung ương đưa ra cấp dưới và địa phương phải có nghĩa vụ thực hiện.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 khóa XV đến nay, HĐND tỉnh đã tiến hành 4 kỳ họp thường kỳ và 5 kỳ họp chuyên đề, ban hành 197 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, trong đó có nhiều nghị quyết quy phạm pháp luật, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều nghị quyết đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội như các nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục; phát triển du lịch; sắp xếp các đơn vị hành chính; hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.
Cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND các cấp tỉnh Kon Tum thực hiện tốt vai trò là cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh, tập trung chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, xử lý nhanh những vấn đề mang tính cấp bách, từ đó điều hành tốt phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguyên tắc tập trung còn được thể hiện trong hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.
Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động được thể hiện trong việc UBND tỉnh trao quyền chủ động sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện Hiến pháp, luật và các văn bản khác của cơ quan quyền lực nhà nước.
Tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để các cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Điều đó được thể hiện trong việc: UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành nhằm mục đích bảo đảm cho hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân lao động, bảo đảm sự tập trung quyền lực vào cơ quan quyền lực, cơ quan do dân bầu và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Mặt khác, UBND cấp trên cũng tôn trọng ý kiến của UBND cấp dưới về công tác tổ chức, hoạt động và về các vấn đề khác của quản lý hành chính nhà nước. Sự phục tùng mệnh lệnh không mang ý nghĩa tuyệt đối, phục tùng vô điều kiện mà là sự phục tùng những mệnh lệnh hợp pháp trên cơ sở quy định của pháp luật. Từ đó khắc phục tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo tự chịu trách nhiệm của địa phương, cấp dưới.
Mọi vấn đề quan trọng của địa phương đều được HĐND thông qua, nhiều vấn đề được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định, như đền bù, giải phóng mặt bằng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum); dự án thủy điện trên sông Đăk Bla…
Tuy nhiên, trong thực hiện, có lúc có nơi còn biểu hiện thiếu hài hòa và khoa học giữa hai mặt “dân chủ” và “tập trung” trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Ở một vài cơ quan, đơn vị, phát huy dân chủ không đi đôi với tuân thủ kỷ luật dẫn đến tình trạng kỷ cương lỏng lẻo, nói và làm tùy tiện, chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa nghiêm.
Vẫn tồn tại không ít trường hợp, quyết định của số đông lại chưa phản ánh đúng bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong trường hợp này, các cuộc họp lấy ý kiến thường thiếu tính phản biện, có xu hướng “xuôi chiều” do bị thiểu số hướng lái.
Vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ một cách máy móc, thiếu ghi nhận, ủng hộ ý kiến xây dựng của thiểu số. Có tình trạng tập thể ra quyết định nhưng bỏ qua ý kiến thuộc về thiểu số, ngay cả khi đó có thể là những ý tưởng tốt, giúp tháo gỡ những vướng mắc, mang đến sự phát triển.
Để phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ cần tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đặc biệt, lựa chọn, bố trí người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trình độ, năng lực giỏi, thật sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị và đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị.
Phải coi trọng vai trò của tập thể và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo; phát huy tính năng động, sáng tạo của cấp dưới và đảm bảo sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp trên; quyết định thuộc về số đông nhưng phải lắng nghe ý kiến của thiểu số.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong các cơ quan lãnh đạo đảng, cơ quan quản lý nhà nước.
Hoàn thiện quy chế, chế tài xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, cấp ủy, cơ quan, đơn vị vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghiêm trị những sai phạm và công bố công khai kết quả xử lý của cơ quan pháp luật, danh tính những người vi phạm.
Bên cạnh biện pháp răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, cũng cần có hình thức khuyến khích, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Sông Côn