26/08/2022 13:06
Đang bận rộn việc xây nhà mới, thế nhưng khi nghe có người đến thăm, chị Y Hơn vẫn niềm nở mời khách về nhà ván cũ để tiếp chuyện. Chị chia sẻ, ngôi nhà mái Thái gia đình chị đang xây dựng trị giá hơn 700 triệu đồng là thành quả bao năm nỗ lực làm việc và tiết kiệm.
“Tiết kiệm là quốc sách, Bác Hồ đã dạy như thế. Từ xưa đến nay, gia đình tôi chỉ mua những thứ mình cần, đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phục vụ việc học tập của con cái chứ không mua những thứ mình thích” – chị Y Hơn chia sẻ.
Là người con ở thôn 2, những khó khăn, vất vả của người dân trong thôn chị Y Hơn đều thấu hiểu và từng trải qua. Chị Y Hơn tâm sự: Bà con ở đây có nhiều đất canh tác, nhưng trước đây chủ yếu trồng cây mì, cây lúa. Vì vậy, việc thu nhập chắt chiu cũng chỉ đủ tiêu dùng trong năm, khó dư giả. Vấn đề bắt đất “đẻ” ra tiền khiến tôi luôn trăn trở, phải thay đổi cơ cấu cây trồng và phương thức canh tác để có thể cải thiện, nâng cao thu nhập. Cùng với đó là việc phải xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu ở địa phương.
|
Nói đi đôi với làm và nhờ năng nổ, nhiệt huyết, năm 2011, chị Y Hơn được các hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 2. Đến năm 2017, chị được các đảng viên trong chi bộ thôn tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Ở cương vị mới, chị Y Hơn tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của mình. Bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhất mà chị em có thể bảo ban nhau như việc kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, làng xóm rồi mới đến tuyên truyền, vận động bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp và thay đổi phát triển kinh tế.
“Mình còn trẻ tuổi, hơn nữa là phụ nữ, nên phải khéo léo, nhẹ nhàng mới làm công tác vận động được. Trong quá trình vận động, nếu nói một lần họ chưa nghe thì nói nhiều lần, đi buổi sáng không gặp thì đến buổi tối, gặp nhiều, nói nhiều dần họ cũng nghe mà thay đổi thôi” - chị Y Hơn tâm sự.
Ở Đăk Pne, hủ tục hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn là vấn đề khiến chị Y Hơn trăn trở. Để ngăn chặn, chị đã phối hợp với các cấp chính quyền kiểm soát chặt chẽ thanh thiếu niên trong thôn để kịp thời nhắc nhở các gia đình bảo ban con cái tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, phong tục sinh đẻ ở nhà đầm vẫn thường xảy ra ở Đăk Pne. Để khắc phục, chị Y Hơn đã phối hợp với chính quyền đến tận ngõ, gõ tận cửa những gia đình có phụ nữ mang bầu, tuyên truyền họ về lợi ích khi sinh nở tại Trạm Y tế xã; nêu lên những nguy hiểm khi tự ý sinh tại nhà đầm hoặc tại nhà mà không có sự giúp sức của cán bộ y tế để họ hiểu và nâng cao nhận thức. Nhờ vậy, những năm qua, đa số các bà mẹ đều đến Trạm Y tế hoặc bệnh viện để sinh đẻ.
Sinh đứa con đầu lòng an toàn, khỏe mạnh, chị Y Hương (22 tuổi) ở thôn 2 chia sẻ: Nhà tôi gần nhà chị Y Hơn, khi mang bầu những tháng cuối, chị liên tục sang nhà hỏi thăm và dặn dò tôi chuẩn bị đồ đạc, tinh thần và bắt buộc phải đến Trạm Y tế để sinh. Nhờ sự giúp sức của cán bộ y tế, cuộc sinh nở suông sẻ, “mẹ tròn con vuông”, gia đình tôi rất vui mừng và biết ơn.
Không chỉ giúp người dân bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, chị Y Hơn còn giúp bà con thay đổi thói quen giữ gìn vệ sinh chung. Chị là người cùng với chính quyền xã tuyên truyền, góp phần giúp 45 hộ ở làng Đăk Po (thôn 2) triển khai thành công mô hình “Nhà vệ sinh bán tự hoại”.
Về phát triển kinh tế gia đình, chị Y Hơn là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng mì sang trồng cà phê xen cây ăn trái. Cùng với đó, từ 2 con heo đen mà chị được nhận hỗ trợ khi tham gia dự án từ Tổ chức Plan International Việt Nam vào năm 2019, đến nay đã phát triển thành đàn heo. Trong những năm qua, từ số heo sinh sản được, chị Y Hơn đã chia giống cho 7 hộ khác. Các hộ được chị chia heo giống giờ đây đã có thêm tài sản mới, có cơ hội để tăng thêm thu nhập và làm giàu.
|
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết: Chị Y Hơn là một bí thư chi bộ gương mẫu, năng nổ và gần dân. Hơn nữa, chị còn là tấm gương đi đầu phát triển kinh tế tại địa phương, với thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Dù còn trẻ nhưng chị làm công tác dân vận rất khéo, nói người dân tin và làm theo nên thôn 2 có rất nhiều khởi sắc hơn trước.
Văn Tùng