Những điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng

22/02/2023 13:02

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN, ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTN và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum; kế hoạch kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; kế hoạch đánh giá công tác PCTN hàng năm của tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Riêng trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chức 910 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN với 70.836 lượt người tham gia bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân vào quyết tâm PCTN, tiêu cực.

Tích cực thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Chỉ riêng năm 2022, đã có 32 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 245 cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cùng tổ đại biểu HĐND tỉnh, huyện Kon Plông TXCT tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông. Ảnh: Thanh Hà

 

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng qua từng năm. Riêng năm 2022, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận 1.506 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, bao gồm. Số đơn thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết của các cấp, các ngành là 833/1.506 đơn, chiếm tỷ lệ 55,31% tổng số đơn nhận được, đã  giải quyết 795 đơn, chiếm tỷ lệ 95,44%.

Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác trong PCTN được nâng cao. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn có sự phối hợp, tham gia giám sát, góp ý kiến của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, đảm bảo dân chủ, góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc theo Kế hoạch đã được các cấp, các ngành phê duyệt. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai 142 cuộc thanh tra, kiểm tra; đến nay đã kết thúc 106 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng đất; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với tổng số tiền sai phạm hơn 4,1 tỷ đồng và 4.041,3ha đất.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị được thanh tra; kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Việc xử lý vụ án tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật; không có hiện tượng bao che, bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt, ngày 21/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 481-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban.

Đây là bước tiến mới trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.

Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục. Đó là, việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn chưa đảm bảo; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực (“tham nhũng vặt”) trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được phát hiện và xử lý.

Việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít. Các tài liệu, chứng cứ phát hiện qua thanh tra chuyển cơ quan điều tra chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự hoặc phải tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, trong thời gian tới cần tiếp tục, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình; tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính giữ gìn phẩm chất, xây dựng đoàn kết nội bộ; thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuyên đề riêng của tỉnh.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Xây dựng kế hoạch công tác PCTN hàng năm, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời thường xuyên theo đõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trao đổi văn bản điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập theo quy định. Tiếp tục rà soát để kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.

Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Nghiêm túc xem xét, xử lý người đứng đầu khi không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra sai phạm, tiêu cực, tham nhũng thuộc quyền quản lý.

Thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng.                        

Sông Côn

Chuyên mục khác